Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào

Những năm qua, nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực đã được triển khai hiệu quả giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đánh giá cao, góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Hội thi giao lưu tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam cho lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Tây Bắc.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trong các trường chuyên nghiệp tỉnh Sơn La”. Đề tài do Tiến sỹ Nguyễn Văn Bao làm chủ nhiệm, nghiên cứu thực trạng và nguyên nhân chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có 3 trường chuyên nghiệp tham gia đào tạo lưu học sinh Lào là: Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La và Trường Cao đẳng Y tế Sơn La. Theo thống kê, từ 2006 đến nay, mỗi năm số lượng lưu học sinh Lào được gửi sang đào tạo tại Việt Nam duy trì từ 550 đến 650 lưu học sinh. Ngoài ra, hằng năm còn có hàng trăm cán bộ thuộc các bộ, ngành Trung ương và địa phương nước CHDCND Lào sang tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn tại các trung tâm, học viện cao cấp của Việt Nam. Riêng tại tỉnh ta, lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào đang học tập tại các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh là 451, trong đó 204 lưu học sinh học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng Sơn La, 247 lưu học sinh học các chuyên ngành khác nhau tại các trường chuyên nghiệp của tỉnh.

Qua trao đổi với các lưu học sinh Lào được biết: trước khi sang Việt Nam học tập, các em chưa được học tiếng Việt. Với thời lượng khoảng 7 - 8 tháng học tiếng Việt rồi chuyển tiếp lưu học sinh Lào vào học chương trình đại học, cao đẳng bằng tiếng Việt thì những hạn chế trong học tập, trong chất lượng đào tạo sẽ không tránh khỏi. Em Pheng - si Xinh - lương - tha, sinh viên khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: Khi sang Việt Nam, em học tiếng Việt một năm trước khi theo học chuyên ngành Giáo dục chính trị. Tiếng Việt phát âm khó, từ tiếng Việt phong phú và đa nghĩa. Trước đó, em đã từng theo học tiếng Anh, em thấy học tiếng Việt khó hơn rất nhiều so với học tiếng Anh. Không chỉ với Pheng - si Xinh - lương - tha mà hầu hết các lưu học sinh Lào sang Việt Nam học tập đều gặp phải khó khăn với tiếng Việt.

Thực tế cho thấy, dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào phải cần tới nhiều tri thức chuyên sâu về ngôn ngữ học hơn là dạy tiếng Việt với tư cách tiếng mẹ đẻ, bởi vì giáo viên khi đó cần có những hiểu biết về tiếng Lào của học viên. Các giáo viên dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào cần các mô tả ngữ âm như giáo viên dạy tiếng Lào cho học viên. Các miêu tả này phải liên quan với nhau, không chỉ trong nội bộ chúng mà còn phải liên quan đến các mô tả về tiếng Lào của người học, sao cho tất cả các mô tả này phải kết hợp với nhau tạo nên một lối nhìn nhận mạch lạc về ngôn ngữ. Cách học này đã củng cố thêm những hiểu biết quan trọng ban đầu của lưu học sinh Lào.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, đề tài đã đề xuất bốn nhóm giải pháp, đó là: Nhóm giải pháp về nhận thức, nhóm giải pháp về đào tạo, nhóm giải pháp về dạy, học tiếng Việt và nhóm giải pháp về quản lý. Các nhóm giải pháp này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, đặc biệt là nhóm giải pháp về dạy và học tiếng Việt đã được áp dụng tại Trường Đại học Tây Bắc. Bên cạnh đó, đề tài đánh giá được thực trạng phương pháp dạy và học tiếng Việt của lưu học sinh Lào trong các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về công tác đào tạo; nâng cao ý thức học tập của lưu học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của các em lưu học sinh Lào. Quá trình thực hiện đề tài đã soạn và ban hành chương trình dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Tây Bắc, ứng dụng vào quản lý, giảng dạy, sinh hoạt, vui chơi giải trí và rèn luyện kỹ năng cho lưu học sinh Lào.

Kết quả của đề tài được ứng dụng rộng rãi đến các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới