Việt Nam và Lào nói chung, Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng, có truyền thống đoàn kết hữu nghị gắn bó từ lâu đời.
Lễ tổng kết lớp đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Trường Cao đẳng Sơn La.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tỉnh Bắc Lào trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đánh giá cao, ngày càng đi vào chiều sâu.
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã ký kết văn bản hợp tác toàn diện với 8 tỉnh Bắc Lào gồm: Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Bò Kẹo, U Đôm Xay, Phông Sa Lỳ, Luông Nặm Thà, Xay Nhạ Bu Ly, Xiêng Khoảng. Trong đó, việc đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với các tỉnh Bắc Lào được chú trọng. Tỉnh Sơn La đã có những chính sách hỗ trợ lưu học sinh Lào, bảo đảm hơn hẳn các chế độ dành cho học sinh các trường chuyên biệt của tỉnh. Ngoài ra, có các khoản trang cấp ban đầu, hỗ trợ đi lại và khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập hàng năm.
Theo tổng hợp, trên cơ sở nhu cầu đào tạo của 8 tỉnh Bắc Lào, từ năm 2001 đến 2016, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.720 lưu học sinh (LHS) vào học tiếng Việt, học văn hóa, học đại học liên thông và cao học với các ngành: Sư phạm, nông - lâm nghiệp, y tế, dược, kinh tế. Sau khi học tiếng Việt 1 năm, lưu học sinh Lào được phân về học chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo: Trường Cao đẳng Sơn La có 466 LHS, học 30 chuyên ngành từ trung cấp đến cao đẳng; Trường Cao đẳng Nông Lâm có 30 LHS, học 2 chuyên ngành về Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi - Thú y; Trường Cao đẳng Y có 379 LHS, học 1 chuyên ngành trung cấp và 3 chuyên ngành cao đẳng; Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch có 5 LHS, học chuyên ngành trung cấp múa dân gian; Đại học Tây Bắc có 456 LHS, học 19 chuyên ngành đại học và cao học. Bên cạnh đó, chương trình Bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn kỹ thuật cũng được triển khai. Năm 2008-2010, Trường Chính trị tỉnh và Trường Cao đẳng Nông Lâm cùng phối hợp tổ chức đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cho 51 học viên của 6 tỉnh Bắc Lào; Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ công tác xây dựng đảng cho 45 học viên; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của một số tỉnh Bắc Lào. Chương trình bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của các tỉnh Bắc Lào được triển khai, năm 2017, tiếp tục mở lớp bồi dưỡng tiếng Việt 9 tháng cho 117 cán bộ, chiến sỹ LLVT 8 tỉnh Bắc Lào.
Lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, bố trí sinh hoạt tại ký túc xá đảm bảo an ninh, với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập; được tham gia các hoạt động tự quản tại ký túc xá và tích cực tham gia phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, các cuộc thi văn nghệ, thể thao, các buổi tọa đàm, giao lưu văn hóa, các hoạt động tình nguyện, kỷ niệm, đặc biệt là kỷ niệm các ngày lễ lớn của nhân dân các bộ tộc Lào như Tết Bun Pimay, ngày Quốc khánh 2/12... Bên cạnh đó, các nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu học sinh tham gia các hoạt động tập thể cùng học viên, sinh viên Việt Nam để nhanh chóng hòa nhập, tiếp cận được với chương trình đào tạo. Trong suốt quá trình học tập, các cơ sở đào tạo đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, kế hoạch học tập theo các hình thức đào tạo, quyền lợi được hưởng khi học tại các nhà trường tỉnh Sơn La và nghĩa vụ phải thực hiện trong quá trình học tập. Lưu học sinh Lào được ưu tiên về tài liệu, giáo trình học tập và nghiên cứu; được sự giúp đỡ trực tiếp của giảng viên bộ môn và cố vấn học tập. Kết quả, từ năm 2001 đến nay, đã có 535 lưu học sinh tốt nghiệp về nước; trong đó, Trường Đại học Tây Bắc có 64 LHS tốt nghiệp; Trường Cao đẳng Sơn La có 267 LHS; Trường Cao đẳng Nông Lâm có 30 LHS; Trường Cao đẳng Y tế có 174 LHS và dự kiến năm 2017 sẽ có 191 LHS tốt nghiệp.
Theo ghi nhận, số lưu học sinh về nước đã phát huy tốt kiến thức được trang bị, tạo cho các tỉnh Bắc Lào đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhiều đồng chí sau khi học tập, bồi dưỡng tại Việt Nam, đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của nhiều địa phương, nhiều ngành và lĩnh vực quan trọng của các tỉnh nước CHDCND Lào, góp phần tăng cường bền vững mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai Đảng và hai Nhà nước; giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!