Phiên chất vấn góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND tỉnh

Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh được đánh giá có nhiều đổi mới, Kỳ họp đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, tạo không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm.

 

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại Kỳ họp.

 

Đặc biệt, phiên chất vấn tại Kỳ họp đã tăng cường đối thoại trực tiếp giữa đại biểu HĐND tỉnh và người được chất vấn. Các nội dung chất vấn rõ địa chỉ, xuất phát từ thực tế cơ sở; việc trả lời chất vấn thực sự nghiêm túc, có trách nhiệm, cơ bản đáp ứng yêu cầu của đại biểu HĐND và cử tri.

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XIV đã chất vấn 4 thành viên UBND tỉnh. Nội dung chất vấn tập trung vào các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp nông thôn, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, khai thác khoáng sản, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt..., đây là những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm cần phải làm rõ và trả lời công khai.

Trong 12 nội dung được HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp, đồng chí Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn 5 nội dung, trong đó có nội dung thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV về việc hoàn thành cấp giấy CNQSDĐ lần đầu đối với đất ở vào tháng 6/2017, đối với đất nông nghiệp vào tháng 12/2017, nhưng không bảo đảm tiến độ. Đồng chí Bùi Đức Hải đã nêu những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, nguyên nhân, trách nhiệm của UBND tỉnh và các ngành chức năng; đưa ra những giải pháp trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện để hoàn thành vào quý I/2018. Đối với việc thực hiện xã hội hóa công tác xử lý rác sinh hoạt nông thôn và xử lý rác thải rắn đô thị, trên cơ sở cơ chế, chính sách, UBND tỉnh đang chỉ đạo việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Về việc chậm ban hành quy định giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh và các ngành chức năng, UBND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và chỉ đạo hoàn thành trong thời gian tới để giảm chi phí từ ngân sách và mở rộng phạm vi thu gom, xử lý rác thải. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những vi phạm theo phản ánh của cử tri tại mỏ đá ở xã Mường Bám (Thuận Châu), sau khi có ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Thuận Châu kiểm tra việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha đóng cửa mỏ theo quy định.

Đặc biệt, trong đầu tháng 11 vừa qua, nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Thành phố bị ô nhiễm do hoạt động sơ chế cà phê và đã kéo dài nhiều năm, các ý kiến chất vấn trực tiếp của đại biểu HĐND tỉnh đối với đồng chí Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Dân Khôi về việc chỉ đạo lập hành lang bảo vệ, vùng bảo hộ nguồn cung cấp nước của Nhà máy cấp nước sinh hoạt Thành phố; việc tham mưu, xử lý khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; tham mưu trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch cấp nước đô thị; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước mới dừng ở phát hiện và xử lý vi phạm hành chính, chưa làm rõ nguyên nhân, chưa đề xuất được các giải pháp để giải quyết triệt để ô nhiễm nguồn nước; những giải pháp trong công tác chỉ đạo của UBND tỉnh và việc giải quyết của các cơ quan chức năng đã thực sự làm nóng nghị trường, thu hút được sự quan tâm của đại biểu và cử tri.

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời về nhóm vấn đề liên quan đến bố trí nguồn kinh phí thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có 5 nghị quyết chưa được phân bổ kinh phí và 20 nghị quyết còn thiếu kinh phí, Giám đốc Sở Tài chính Lê Hồng Chương giải trình: Năm 2017 tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện 48/53 nghị quyết, tổng số tiền 1.167 tỷ đồng, nhưng do tình hình thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều sự kiện quan trọng phát sinh, nên việc bố trí kinh phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, Sở Tài chính tiếp tục cân đối, rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh cơ cấu chi, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chính sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trước tình trạng bức xúc do ô nhiễm môi trường từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bị vứt bỏ bừa bãi, mặc dù đã có hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng trên thực tế, tình trạng này chưa được giải quyết triệt để, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Quyết Nghị về trách nhiệm, cũng như những giải pháp xử lý triệt để. Ngoài các nguyên nhân khách quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các địa phương trong thực hiện thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt. Giải pháp của ngành trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp, khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hỗ trợ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất.

Theo đánh giá của đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm; tăng cường đối thoại trực tiếp, phát huy tính tranh luận giữa đại biểu HĐND tỉnh và người được chất vấn. Các thành viên UBND tỉnh đã cơ bản nắm rõ yêu cầu, bám sát chức năng nhiệm vụ, trả lời thẳng vào vấn đề và đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế; tuy nhiên, việc trả lời chất vấn vẫn còn nặng về báo cáo kết quả. Sau Kỳ họp, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo các ban HĐND giám sát việc thực hiện lời hứa và những nội dung đã được chất vấn tại Kỳ họp.

 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm

 

Lê Hồng Minh

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Năm 2017, thực hiện các Kết luận của Ban Thường vụ tỉnh ủy về đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu cân đối vốn triển khai các dự án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng thu hồi đất thực hiện các dự án, như Dự án kè suối Nặm La, Dự án Bệnh viện 550 giường... Đồng thời, bố trí vốn triển khai một số dự án đầu tư, tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phương án xây dựng Trụ sở HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ngành, đoàn thể tỉnh theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong năm, đã cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 136 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.936 tỷ đồng (tăng gấp 3,3 lần so với năm 2016). Trong đó, đã thu hút được các tập đoàn kinh tế mạnh đầu tư vào các dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Tập đoàn TH triển khai các Dự án nhà máy chế biến quả và đồ uống nước quả công nghệ cao, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án phát triển rau, củ quả và dược liệu với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng; Dự án nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng... Tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Bình - huyện Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP) với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 20.864 tỷ đồng. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh ta đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống

 

Hà Quyết Nghị

Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân, nhất là trên địa bàn các huyện Mường La, Phù Yên và Vân Hồ. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 2.600 tỷ đồng. Với quyết tâm không để một người dân nào bị đói, không để một hộ nào bị thiệt hại về nhà không có nơi ở, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ; huy động các nguồn lực, tổ chức, giúp đỡ và hướng dẫn nhân dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất. Đồng thời, khẩn trương tu sửa hệ thống thủy lợi, khôi phục hệ thống điện, đường, trường, trạm bị hư hỏng; bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Đến nay, từ nguồn ngân sách và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, tỉnh đã hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, tổng trị giá trên 370 tỷ đồng. Trong đó, tại xã Nặm Păm (Mường La), đã dựng xong 158 nhà lắp ghép tại điểm TĐC cho 158 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi, hỗ trợ mỗi nhân khẩu 15 kg gạo/tháng trong một năm cho các hộ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn và hỗ trợ trồng trên 100 ha cây ăn quả. Tại huyện Phù Yên, ngay sau mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, đã dựng trên 150 nhà, lán tạm cho các hộ bị cuốn trôi nhà; phấn đấu hoàn thành việc TĐC cho 360 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp trong tháng 12/2017. Bên cạnh đó, huyện đã khôi phục 100 ha đất sản xuất chịu ảnh hưởng của thiên tai tại các xã Tường Phù và Gia Phù. Riêng xã Mường Bang, đã dựng 17 nhà tạm tại bản Sọc. Huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh sớm rà soát, khôi phục hệ thống đường giao thông bị hư hỏng.

Triển khai các giải pháp thu ngân sách trên địa bàn

 

Lường Thị Hiền

Tổ đại biểu huyện Vân Hồ

Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, tình hình thiên tai, mưa lũ diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục, giữ vững tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.370 tỷ đồng, bằng 117,63% dự toán Bộ Tài chính giao, tăng 9% so với năm 2016. Tại Kỳ họp lần thứ năm, HĐND tỉnh khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thu chi ngân sách năm 2018. Trong đó, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018  đạt 4.450 tỷ đồng, bằng 107,9% so với dự toán năm 2017, tăng 23% so với dự toán Bộ Tài Chính giao, đây là số thu phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm ngân sách thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn năm 2018, các cấp, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, các khoản thu phát sinh. Trong đó, tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, các khoản thuế còn tồn đọng năm 2017; quản lý khai thác tốt các nguồn thu từ đất; đẩy mạnh giám sát việc kê khai nộp thuế hằng tháng, hàng quý của doanh nghiệp để thu đúng, thu đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

Thực hiện hiệu quả chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc

 

Quàng Thị Đôi

Tổ đại biểu huyện Sông Mã

Chủ trương của tỉnh đến năm 2020 phát triển và hình thành vùng tập trung các loại quả có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển quả ôn đới ở vùng có điều kiện, ứng dụng công nghệ vào lai tạo giống. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, gồm: xoài ghép, nhãn ghép, bơ, hồng giòn, chanh leo và các loại cây ăn quả có múi. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào khâu sản xuất cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thâm canh, để tạo ra những vùng sản xuất tập trung có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có trên 41.000 ha cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây ăn quả đạt 100.000 ha, sản lượng 1.120.000 tấn. Tỉnh đã chỉ đạo chuyển đổi trên 31.200 ha đất dốc đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả; rà soát và ban hành chính sách hỗ trợ nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Năm 2017, toàn tỉnh đã trồng mới được 8.500 ha cây ăn quả các loại, trong đó đã chuyển đổi 4.500 ha trồng ngô, lúa nương, sắn sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Qua nghiên cứu các báo cáo tại Kỳ họp và thực tế tại địa phương, tôi thấy việc thực hiện chủ trương chuyển đổi và phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã khẳng định hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với canh tác cây lương thực, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng độ che phủ và bảo vệ môi trường bền vững.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng chấm Giải báo chí về xây dựng Đảng, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng, thống nhất xếp loại các tác phẩm đoạt giải năm 2024.
  • 'Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi. 
  • 'Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại huyện Yên Châu.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của cao lạnh lục địa tăng cường, áp và độ ẩm tăng. Thời tiết: Nhiều mây, đêm có mưa, mưa rào và dông vài nơi, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, ngày có lúc giảm mây hửng nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • 'Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 5/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Đây là một trong những nội dung tuyên truyền về Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
  • 'Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.