Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh).
Sáng 15/11, trước khi thảo luận tại tổ về dự án luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật này sửa đổi tại 66 điều; bãi bỏ 02 điều; bổ sung 08 điều và 1 chương (chương VIIa, gồm 5 điều, về Hộ kinh doanh).
Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh như sau: Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
Đồng thời, bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh), đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, đề nghị nghiên cứu, ban hành một nghị định riêng về hộ kinh doanh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các nội dung về hộ kinh doanh đã được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh, do vậy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!