Ngày 22/1, đồng chí Quàng Văn Hương, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La.
Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Đinh Công Sỹ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Nhâm Thị Phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước và UBND tỉnh, từ 1/5/2005, Công ty Cấp nước Sơn La được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La. Đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn của Công ty gần 140 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu trên 78 tỷ đồng, nợ phải trả gần 62 tỷ đồng. Đến 31/12/2017, cơ cấu vốn điều lệ của các cổ đông lớn gồm: UBND tỉnh chiếm 35%, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Việt Nam 50,67%; cổ đông khác 14,33%; hiện Công ty đang quản lý, sử dụng gần 31.800 m2 đất; tổng công suất thiết kế đạt 45.000 m3/ngày, đêm (khoảng 16,4 triệu m3/năm). Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, khan hiếm nguồn nước thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân... Công ty đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp cấp từ 20% xuống 10% để khuyến khích các nhà đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập quỹ đầu tư cho doanh nghiệp cấp nước vay với lãi suất ưu đãi; HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Công ty trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước; huy động, cân đối vốn để đầu tư các công trình cấp nước tại những vùng có mật độ dân số thấp, mức đầu tư cao.
Đoàn giám sát đánh giá sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La đã thực hiện tốt chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Đề nghị Công ty tiếp tục quan tâm sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả nguồn nước, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đối với những kiến nghị của Công ty, Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cùng ngày, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm việc với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Ngày 3/1/2017, Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường đô thị Sơn La được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, vốn điều lệ trên 196 tỷ đồng, trong đó, vốn sở hữu Nhà nước chiếm 97,88% vốn điều lệ. Sau cổ phần hóa, Công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài chính, Nhà máy xử lý chất thải rắn Thành phố chưa đạt hiệu quả kinh tế. Công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh phương án cổ phần hóa. Trong đó, loại giá trị tài sản nhà máy xử lý chất thải rắn ra khỏi giá trị doanh nghiệp; UBND tỉnh xem xét, ban hành đơn giá xử lý chất thải rắn, trên cơ sở tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí cấu thành trong đơn giá xử lý chất thải.
Đoàn giám sát đã yêu cầu đơn vị làm rõ về cách thức xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, việc phân chia lợi nhuận của năm 2017 sau khi cổ phần hóa; các vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất; kế hoạch cụ thể của đơn vị trong việc tham mưu cho tỉnh để đảm bảo mức thoái vốn Nhà nước xuống còn 51%... Đề nghị Công ty tiếp tục triển khai việc thoái vốn theo đúng lộ trình, đảm bảo đúng tiến độ, đúng luật.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!