Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Ngày 5/4, đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Dự Hội nghị có đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và tham gia ý kiến vào dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Đối với dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương, 78 điều, quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh; đối tượng được bồi thường; thiệt hại được bồi thường; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước... Đa số các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí với các điều, khoản được sửa đổi trong dự án luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh như: phạm vi điều chỉnh và phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Điều 1 và các điều từ 17 đến 21); bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27); nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường (Điều 4); xác định cơ quan giải quyết bồi thường (Điều 38, 39, 40); lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường (Điều 59 và 61)... 

Đối với Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh; người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; giải quyết kiếu nại, tố cáo và tranh chấp. Qua thảo luận, đa số đại biểu đánh giá dự án Luật đã thể hiện cơ bản toàn diện, đầy đủ các vấn đề về trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề xuất, phân tích, bổ sung và làm rõ một số nội dung trong dự án Luật như: người được trợ giúp pháp lý (Điều 7); nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý (Điều 5); tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý (Điều 19); cộng tác viên trợ giúp pháp lý; các hình thức trợ giúp pháp lý (khoản 2 Điểu 28); xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tráng Thị Xuân đã đánh giá cao trách nhiệm tham gia ý kiến của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp ý kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới