Ngày 27/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2016.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Giám sát việc thực hiện chính sách,
pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2016
Đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc giám sát. Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Quàng Văn Hương, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nhâm Thị Phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Thời gian qua, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 141/1.063 cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 23 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 812 cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm được ngành Nông nghiệp cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đối với các sản phẩm thực phẩm được chế biến công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 52 cơ sở, trong đó có 6 cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, 45 cơ sở chế biến, sản xuất chè, cà phê và 1 cơ sở sản xuất sữa chế biến đã được các ngành chức năng của tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP... Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, gây khó khăn và chồng chéo trong việc kiểm tra giữa các ngành: Nông nghiệp, Công Thương, Y tế; công tác quản lý Nhà nước về ATTP chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn; thực trạng quản lý tồn dư hóa chất, ô nhiễm hóa chất trong một số thực phẩm khó kiểm soát; tỷ lệ cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm quy mô hộ gia đình được giám sát còn thấp.
Tại buổi giám sát, tỉnh Sơn La đã kiến nghị với Đoàn giám sát trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế tăng cường các hoạt động phối hợp kiểm tra ATTP giữa các lực lượng chức năng; kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp; xây dựng phương án quy hoạch các khu vực thức ăn đường phố và khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thực hiện, kiến thức, kỹ năng thực hành ATTP phù hợp với các nhóm đối tượng; rà soát, xây dựng tiêu chí và ban hành danh sách xã, phường trọng điểm về ATTP hằng năm. Đoàn giám sát đã làm rõ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác ATVSTP trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV xem xét, giải quyết.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh yêu cầu các huyện, thành phố sớm kiện toàn Ban chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó phải quy định rõ người, rõ việc. Đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí tập trung vào những vấn đề, những nội dung cấp thiết, bức xúc nhất hiện nay về ATVSTP; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai rõ cơ sở vi phạm ATVSTP, cương quyết thu hồi giấy phép nếu vi phạm; đẩy mạnh giáo dục phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang tới gần.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!