Ngày 23/7, đồng chí Quàng Văn Hương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng Đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 giai đoạn 2011-2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện Sốp Cộp.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại xã Mường Lạn (Sốp Cộp).
Qua kiểm tra, giám sát tại các xã Nậm Lạnh, Mường Lạn, cho thấy, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo 1956 huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp cùng với Trung tâm Dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề, như: Trồng và chăm sóc cây ăn quả; kỹ thuật trồng rau; chăn nuôi thú y; các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp cho các lao động chủ yếu là trong vùng quy hoạch giải phóng mặt bằng, dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người nghèo... Qua 7 năm triển khai, đã tổ chức 18 lớp dạy nghề cho 579 học viên; giải quyết việc làm sau đào tạo cho người học nghề sau khi học đã biết áp dụng kỹ năng và kiến thức vào thực tế các mô hình nông nghiệp sẵn có.
Tuy nhiên, hầu hết các xã hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, như: Số người đăng ký học nghề còn phân tán; nhiều người không muốn học nghề do sau khi học không tìm được việc làm; người lao động chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm; nhận thức một bộ phận người lao động chưa cao, chưa chủ động học nghề và tìm việc làm, còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư sau khi đào tạo...
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo huyện Sốp Cộp kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh các vấn đề cơ chế, chính sách cho vay vốn đối với lao động sau khi học nghề; hỗ trợ ban đầu cho lao động tại các khu công nghiệp trong nước; tăng mức hỗ trợ kinh phí cho công tác dạy nghề và rà soát, điều tra nhu cầu học nghề... Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của huyện; đồng thời, đề nghị huyện tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; định hướng công tác dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp, khảo sát và lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!