Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri
Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ của người đại biểu HĐND, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền Nhà nước với nhân dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND trở thành một kênh thông tin quan trọng để nhân dân và cử tri trong tỉnh tham gia đề xuất, góp ý, hiến kế xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách, góp phần cùng chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Để khuyến khích cử tri chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động của HĐND tỉnh, trong những năm qua, Thường trực HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh ta luôn chú trọng tổ chức triển khai, nghiên cứu để cải tiến, đổi mới nội dung và cách thức thực hiện công tác tiếp xúc cử tri. Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quy trình tổng hợp, yêu cầu giải quyết các kiến nghị của cử tri, trong đó quy định rõ về thời gian, cách thức tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, bao gồm cả việc rà soát các kiến nghị từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết, trả lời; việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian diễn ra kỳ họp và giữa 2 kỳ họp của HĐND tỉnh; việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; tổ chức đoàn khảo sát, giám sát đối với những vấn đề cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết..., nhằm tạo tính thống nhất và có hệ thống trong việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và nâng cao hiệu lực giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề theo ngành, lĩnh vực, đối tượng trước và sau kỳ họp chuyên đề là một hình thức tiếp xúc cử tri hiệu quả. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề là việc kết hợp giữa tiếp xúc cử tri và tham vấn, lấy ý kiến của cử tri, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với một số cơ chế, chính sách sẽ được HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị tại kỳ họp chuyên đề. Tiếp xúc cử tri kết hợp với tham vấn ý kiến cử tri đối với các nội dung trình tại kỳ họp để lắng nghe ý kiến của cử tri, đặc biệt là cử tri có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tế trong những ngành và lĩnh vực có liên quan, có khả năng và điều kiện hiến kế, đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một kênh hữu ích giúp đại biểu HĐND tỉnh có thêm cơ sở thực tế và thông tin đa chiều phục vụ cho hoạt động thẩm tra, xem xét và quyết định các nội dung trình tại kỳ họp.
Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri đang ngày càng được nâng cao, nhất là việc phối hợp chặt chẽ trách nhiệm của từng cơ quan và mối quan hệ phối hợp trong tổ chức tiếp xúc cử tri; tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố trong tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri để chủ động tiếp thu, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Đồng thời nâng cao chất lượng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo đầy đủ, rõ nội dung, đúng thẩm quyền; duy trì việc tổ chức họp với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để thống nhất việc tổng hợp kiến nghị cử tri báo cáo kỳ họp HĐND; chủ động rà soát các kiến nghị của cử tri, đôn đốc việc giải quyết và báo cáo những nội dung chậm hoặc giải quyết chưa thỏa đáng. Trong trường hợp cần thiết có thể đưa vào nội dung chất vấn, yêu cầu các ngành chức năng giải trình giữa 2 kỳ họp hoặc tại kỳ họp HĐND tỉnh. Nâng cao trách nhiệm của tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri; đồng thời, thông tin kịp thời kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng đến cử tri nơi đã gửi kiến nghị. Công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri cũng được chú trọng, đảm bảo việc duy trì chuyên mục “Diễn đàn cử tri” trên Báo Sơn La và Đài Phát thanh - Truyền hình hình tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri theo dõi, nắm bắt.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của HĐND và phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tới cử tri; lắng nghe và tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết..., hơn thế nữa, hoạt động tiếp xúc cử tri đang đặt ra yêu cầu cao hơn, trong đó trách nhiệm và chất lượng hoạt động của từng cá nhân đại biểu HĐND tỉnh đóng vai trò quyết định, góp phần tạo bước đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!