Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quyết định này đã bộc lộ không ít bất cập như không có quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; các tiêu chí, điều kiện quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp chưa chặt chẽ; việc phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu quản lý cụm công nghiệp; chưa có cơ chế báo cáo tình hình cụm công nghiệp dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thống kê;…
Ðể khắc phục các hạn chế nêu trên cũng như nâng cao hiệu lực pháp lý của Quyết định 105/2009/QÐ-TTg, ngày 25/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NÐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, chủ yếu tập trung vào một số vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh, định nghĩa cụm công nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; quy định quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp và phân công trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Công thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện;… Sau khi Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 66/2020/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NÐ-CP.
Hai nghị định nêu trên đã tạo được hành lang pháp lý quan trọng để chấn chỉnh tình trạng phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp. Công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp đến nay nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm theo trình tự, quy định.
Hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới về quản lý và phát triển cụm công nghiệp, trong đó tập trung vào việc rút gọn thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến chủ trương đầu tư.
Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, Quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.
Tuy nhiên, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương thực tế còn chậm, trông chờ vào ngân sách. Việc thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện rõ rệt;... Vì vậy, theo các chuyên gia, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý, phát triển cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các địa phương có tỷ lệ đất cụm công nghiệp lấp đầy cao, cần có cơ chế mở rộng thêm diện tích và cho phép liên kết các cụm công nghiệp; nghiên cứu điều kiện mở rộng cụm công nghiệp và nâng tổng quỹ đất chưa cho thuê lên 100ha thay vì 50ha như hiện nay nhằm hỗ trợ cho địa phương số lượng cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển; giao và phân quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc thực hiện phát triển cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ chế chuyển giao hạ tầng cụm công nghiệp do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư, việc huy động vốn để đầu tư và kinh doanh hạ tầng cho doanh nghiệp quản lý, thu hút đầu tư. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định mới về quản lý và phát triển cụm công nghiệp, trong đó tập trung vào việc rút gọn thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến chủ trương đầu tư.
Kỳ vọng việc ban hành nghị định mới này sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm của hai Nghị định 66/2020/NÐ-CP và 68/2017/NÐ-CP, đồng thời khắc phục hạn chế cũng như tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án trong cụm công nghiệp trong giai đoạn tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!