Bảo đảm đời sống, việc làm cho công nhân khu công nghiệp

Trong Tháng Công nhân năm 2023, các cấp công đoàn tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, chăm lo cho người lao động, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp.

Chương trình khám sức khỏe sinh sản cho công nhân tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. (Ảnh HÀ PHONG)
Chương trình khám sức khỏe sinh sản cho công nhân tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. (Ảnh HÀ PHONG)

Một số vấn đề nhiều năm nay chưa được giải quyết như nhà ở cho công nhân và trường học cho con em công nhân… đã được chính quyền các cấp xúc tiến triển khai. Cùng với đó, các doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm thêm nguồn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ðầu tháng 5/2023, 350 công nhân, người lao động đại diện hàng trăm nghìn công nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã dự cuộc đối thoại trực tiếp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với Thường trực Tỉnh ủy. Tại đây, tất cả các câu hỏi, kiến nghị liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của công nhân đều được lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên trả lời, một số vấn đề được giải quyết ngay.

Thẳng thắn và trách nhiệm

Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mani Hà Nội Nguyễn Ðức Cảnh kiến nghị: "Hiện nay chi bộ đảng tại các doanh nghiệp FDI đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, thời gian sinh hoạt phải tổ chức ngoài giờ, ngày nghỉ, đề nghị tỉnh chỉ đạo khắc phục". Nhiều công nhân là đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng kiến nghị, do doanh nghiệp chưa thành lập được chi bộ, phải sinh hoạt ở nơi cư trú, cho nên không phát huy được vai trò của đảng viên tại doanh nghiệp. Nhiều người lao động tại các khu công nghiệp đề nghị được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ; tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào chủ nhật...

Sau mỗi câu hỏi, kiến nghị của công nhân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã trực tiếp trả lời, trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, giải quyết vấn đề công nhân kiến nghị. Trong đó nêu rõ, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là doanh nghiệp FDI, để thành lập tổ chức cơ sở đảng khi đủ điều kiện. Tỉnh bảo đảm kinh phí để chi bộ tại doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động. Tỉnh sẽ tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi ngay từ năm 2023; rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề, học ngoại ngữ để có hình thức tổ chức phù hợp, hiệu quả; tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ phù hợp tình hình thực tế.

Một số vấn đề nhiều năm nay chưa được giải quyết như nhà ở cho công nhân và trường học cho con em công nhân… đã được chính quyền các cấp xúc tiến triển khai. Cùng với đó, các doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm thêm nguồn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động.

Chứng kiến cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đối thoại với công nhân thể hiện cấp ủy, chính quyền tỉnh rất quan tâm, coi trọng công nhân, người lao động đối với sự phát triển của địa phương. Các câu hỏi của công nhân, người lao động và các câu trả lời của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành rất thẳng thắn, trách nhiệm; qua đó thể hiện tinh thần dân chủ, thấu hiểu và gần gũi.

Tháng Công nhân là đợt cao điểm để chính quyền, tổ chức Công đoàn các cấp của tỉnh Bình Dương chăm lo cho hơn 1,3 triệu lao động. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Minh cho biết: Tổ chức Công đoàn các cấp đã có những hoạt động thiết thực để chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Các đoàn thể chính trị-xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đã phát động nhiều phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, khen thưởng, biểu dương người lao động… có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Ðến thăm hỏi công nhân, lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (cụm sản xuất An Thạnh, thành phố Thuận An) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã trao tặng 24 suất quà, mỗi suất 5 triệu đồng tiền mặt và một phần quà nhu yếu phẩm. Quà tặng do các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cán bộ, công đoàn cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đóng góp và một phần từ nguồn vận động xã hội hóa.

Chị Lê Thị Thu Huyền, quê An Giang, làm việc tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng rất xúc động khi đoàn đến tận phòng trọ thăm hỏi và trao tặng quà. Chị Huyền mắc bệnh hiểm nghèo, tiền dành dụm đều dùng vào việc chạy chữa thuốc men, được công đoàn thăm hỏi, hỗ trợ và trao tặng quà, chị rất cảm kích.

Trong Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng 10 nghìn phần quà (mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng) cho đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp đông công nhân, thiếu đơn hàng, giảm giờ làm. Liên đoàn Lao động Thành phố còn phối hợp Bệnh viện Y Dược Sài Gòn và Công ty cổ phần Ðầu tư siêu thị Công đoàn Việt Nam tư vấn, khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho 500 công nhân, lao động trên địa bàn quận Bình Tân.

Bảo đảm đời sống, việc làm cho công nhân khu công nghiệp ảnh 1

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan trao quà tặng công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo. (Ảnh TRỊNH BÌNH)

Cố gắng bảo đảm việc làm, thu nhập, chỗ ở cho người lao động

Xây dựng nhà ở cho công nhân là bài toán nan giải của nhiều địa phương trong cả nước. Thành phố Hà Nội hiện có gần 170 nghìn công nhân làm việc tại chín khu công nghiệp, nhưng chỉ có ba khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân với 22.420 chỗ ở, đáp ứng gần 13% nhu cầu về chỗ ở của công nhân. Hơn 80% người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao.

Qua Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh với gần một nghìn công nhân, lao động Thủ đô trong Tháng Công nhân, vấn đề này đã có tín hiệu khởi sắc. Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, thành phố cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án, để cuối năm 2023 và năm 2024 khởi công được một số khu nhà ở xã hội, phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.

Tỉnh Ðồng Nai hiện có khoảng 600 nghìn công nhân đang phải ở trọ, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn. Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng 10 nghìn căn nhà ở xã hội và sau đó phấn đấu có 30 nghìn căn nhà ở xã hội. Về lâu dài, tỉnh tính toán dùng quỹ đất quy hoạch một không gian nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp; xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội của các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển từ đầu tư nhà ở thương mại cao cấp sang đầu tư nhà ở xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân một công ty tại thành phố Biên Hòa cho biết, mỗi tháng vợ chồng chị có thu nhập khoảng 18 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt thì mỗi tháng mới dành dụm được vài triệu đồng, cho nên không biết bao giờ mới mua được nhà, trong khi nhà ở xã hội thì không thể tiếp cận được. Chị Hiền mong Nhà nước xây dựng thêm nhà ở giá rẻ cho công nhân, để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và địa phương.

Tìm kiếm thêm nguồn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất để duy trì thu nhập ổn định cho người lao động chính là phương án được một số doanh nghiệp thực hiện trong tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ðể chuẩn bị nhân sự cho nhà máy thứ hai sắp đi vào hoạt động, từ tháng 4/2023 đến nay, Công ty cổ phần In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo, Thành phố Hồ Chí Minh) đã tuyển dụng 15 lao động ngành in. Trước mắt, những công nhân này được đào tạo tay nghề để làm việc ở các dây chuyền mà công ty nhận in ấn thêm một số mặt hàng mới.

Bà Lê Thị Bích Hằng, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần In số 7 chia sẻ: "Ban Giám đốc công ty đã cố gắng khai thác thêm các nguồn hàng mới để bù vào những đơn hàng bị giảm, để duy trì được việc làm, thu nhập, các chế độ phúc lợi cho người lao động".

Với gần bốn nghìn cán bộ, công nhân, hiện nay Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đang gặp nhiều khó khăn do nhiên liệu đầu vào tăng, giá thép từ đầu năm đến nay giảm năm lần liên tiếp, nhu cầu của thị trường suy giảm, hàng tồn kho tăng, cho nên một số nhà máy, dây chuyền sản xuất tạm dừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ: "Mặc dù sản xuất khó khăn, nhưng công ty vẫn đóng đủ bảo hiểm, bố trí việc làm luân phiên và bảo đảm thu nhập cho công nhân".

Nhìn chung, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có tình trạng đình công, nghỉ việc tập thể. Tuy nhiên, dù Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp thứ ba so với toàn quốc, nhưng trên địa bàn vẫn còn 888 đơn vị nợ hơn 53 tỷ đồng bảo hiểm (chiếm tỷ lệ 0,87% so với số phải thu).

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai các giải pháp đôn đốc thu hồi số tiền nợ các khoản bảo hiểm, nhờ đó số nợ giảm hơn 3,3 tỷ đồng so với năm 2021. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng các khoản bảo hiểm, như thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới