Doanh nghiệp Mộc Châu chủ động ứng phó với dịch bệnh

Huyện Mộc Châu hiện có 364 doanh nghiệp với hơn 5.500 lao động, tập trung chủ yếu ở thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, như: Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty CP Chè Chiềng Ve, Cụm công nghiệp tại tiểu khu Bó Bun (thị trấn Nông trường)... Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các nhà máy trên địa bàn huyện Mộc Châu đã chủ động triển khai các biện pháp, nâng cao cấp độ phòng, chống dịch bệnh; xây dựng kịch bản ứng phó, đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì sản xuất, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

 

Công nhân Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu khử khuẩn toàn thân trước khi vào ca làm việc.

Đến nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đúng thời điểm giao ca làm việc. Công tác kiểm soát y tế được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ khu vực cổng vào. Các xe vận tải hàng hóa vào nhà máy đều được phun khử khuẩn bằng hệ thống tự động; công nhân trước khi vào làm việc đều thực hiện: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và khử khuẩn toàn thân. Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty hiện có 2 nhà máy (nhà máy chế biến sữa, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi); 1 trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật, tạo việc làm cho gần 800 lao động; 14 trung tâm thu mua sữa tươi của hơn 500 hộ chăn nuôi. Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; triển khai biện pháp phòng dịch trước, trong, sau khi công nhân đến nhà máy và tại các trung tâm thu mua sữa. Lập kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo các bước: Kiểm soát nguy cơ lây nhiễm ban đầu; truy vết, sàng lọc đối tượng nguy cơ cao và cách ly đối với trường hợp nghi nhiễm. Kiểm tra, tầm soát đánh giá 1 tuần/lần tại các bộ phận theo nội dung kiểm soát nguy cơ lây nhiễm do Công ty ban hành... Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch, đến nay nguồn lao động của công ty duy trì ổn định, đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Còn tại 2 nhà máy chế biến chè: Chè Đen và Vân Sơn (thị trấn Nông trường) của Công ty Vinatea Mộc Châu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam) hiện duy trì hoạt động, nhưng lượng công nhân giảm chỉ còn dưới 20 người/ca làm việc. Từ đầu tháng 5, Công ty bước vào vụ sản xuất lứa chè thứ 2 đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động về công tác kiểm soát, phòng dịch được đơn vị thực hiện ở mức cao nhất. Các khâu kiểm soát y tế thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là kiểm soát lái xe vận tải của Công ty khi giao hàng đến các tỉnh, thành phố khác.

Anh Nguyễn Tiến Thành, lái xe vận tải Công ty Vinatea Mộc Châu, cho biết: Trung bình 1 tháng, tôi vận chuyển hơn 10 chuyến hàng đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội... để giao hàng theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty và các đơn vị tiêu thụ. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi chuẩn bị quần áo bảo hộ, nước sát khuẩn tay, phun khử trùng xe; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc giao, nhận hàng hóa. Khi trở về, tôi chủ động khai báo y tế, lịch trình di chuyển với các cơ quan chức năng và thực hiện cách ly nếu có yếu tố dịch tễ.

Tại các nhà máy, khu công nghiệp có nhiều công nhân làm việc trong môi trường kín, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan, huyện Mộc Châu đã ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng dịch tới người lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát không để các doanh nghiệp buông lỏng quản lý, chủ quan, lơ là; xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp đóng trên địa bàn duy trì việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại đơn vị theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc. Các đơn vị tích cực, chủ động ứng phó dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và áp dụng nguyên tắc “3 trước”: Nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước và phát hiện, hành động, xử lý trước.

Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị  đã ký cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; thường xuyên thực hiện việc đánh giá mức độ an toàn theo các chỉ tiêu về nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Công tác tuyên truyền, thông tin được triển khai theo hình thức đa dạng, như căng treo pa nô, hình ảnh về các bước phòng dịch; trang bị đầy đủ các vật tư phòng dịch như nước sát khuẩn tay, nhiệt kế điện tử; 100% người lao động thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc.

Để không ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tại các nhà máy, cụm công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn huyện, còn rất cần ý thức, trách nhiệm của mỗi công nhân, người lao động tại các đơn vị góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới