Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản cuốn Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam. Sách do TS Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ chỉ đạo nội dung
Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam. (Ảnh: BL) |
Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam là cuốn sách muốn giới thiệu đến bạn đọc về công tác thông tin tuyên truyền về biển, đảo góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân về căn cứ pháp lý và cơ sở lịch sử nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; khơi dậy, củng cố tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân trong đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông. Đồng thời củng cố niềm tin định hướng quốc gia “mạnh về biển” gắn liền với chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á, có ba mặt Đông, Nam và Tây Nam giáp biển với bờ biển dài 3.260 km, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hai quần đảo này là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hàng trăm năm nay một cách thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và được công nhận bởi các bằng chứng pháp lý, lịch sử xác thực.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện, các biện pháp chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý và ngoại giao, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền là một mặt trận cấp thiết và lâu dài.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp xuất bản Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam. Nội dung cuốn sách gồm ba chương:
Chương I: Một số khái niệm pháp lý cơ bản về biển, đảo
Chương II: Khái quát chung về Biển Đông và biển, đảo Việt Nam
Chương III: Khái quát về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phân tích rõ một số khái niệm pháp lý cơ bản về biển, đảo tại Chương I, Ban Biên soạn đã giới thiệu: Quy định về các vùng biển; Đường cơ sở; Đường cơ sở của quốc gia quần đảo, quần đảo và các thực thể địa lý ở Biển Đông; Đường cơ sở của Việt Nam; Khái niệm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán; Quy định về các vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển; Quy định về các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; Vùng chồng lấn; Nguyên tắc phân định biển; Cơ chế giải quyết các tranh chấp trên biển.
Với nội dung trên, Chương I nêu rõ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 khẳng định một quốc gia ven biển có các vùng biển: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.
Là một quốc gia ven biển, theo quy định Việt Nam có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam được quy định chi tiết trong Luật biển Việt Nam năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Với nội dung khái quát chung về Biển Đông và biển, đảo Việt Nam, tại Chương II, Ban Biên soạn giới thiệu: Vị trí địa lý của Biển Đông; Tên gọi; Đặc điểm địa lý đáng chú ý ở Biển Đông; biển, đảo Việt Nam; Vai trò của Biển Đông đối với thế giới và Việt Nam; Tiềm năng biển của Việt Nam; Giới thiệu chung về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ; Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia; Phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan; Phân định biển giữa Việt Nam và Malaixia; Phân định biển giữa Việt Nam và Inđônêxia; Giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Philippin; Nguyên tắc “chiếm hữu thực sự”; Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác lập theo nguyên tắc “chiếm hữu thực sự”; Báo cáo của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý.
Thông qua những tư liệu tại Chương II, Ban Biên soạn nêu rõ, với Việt Nam xét về an ninh, quốc phòng, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng Đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất từ thế kỷ XVII, Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc quản lý, thực thi chủ quyền này được Việt Nam tiến hành một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Cùng với quần đào Hoàng Sa, từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ XVII, các nhà nước Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa một cách liên tục, hòa bình và không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Về kinh tế, Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn trong Biển Đông được xác định theo đúng quy định của UNCLOS 1982 và là một trong những khu vực giàu tài nguyên, với các tiềm năng lớn về hải sản, dầu khí, năng lượng sạch và du lịch. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành quốc gia có tiềm năng phát triển thuỷ sản trên thế giới.
Với những tư liệu dẫn chứng xác thực, Chương II cũng nêu rõ, Việt Nam xây dựng và đệ trình Báo cáo quốc gia về Ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý là hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật biển 1982, quy tắc và kế hoạch công tác của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hiện nay đã có hơn 50 nước có Báo cáo quốc gia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Sau khi được thông qua, việc xác định ranh giới thềm lục địa mở rộng sẽ có giá trị pháp lý quốc tế. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các nước ven biển nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia đối với thềm lục địa.
Chương III, Ban Biên soạn đã giới thiệu các vấn đề: Bối cảnh, tình hình và bài học kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển; Sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết mới về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Quan điểm chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Một số chủ trương lớn; Các khâu đột phá của Nghị quyết; Các giải pháp chủ yếu; Về công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ngoài ra, Sổ tay còn có phần Phụ lục giúp bạn đọc tìm hiểu một số vấn đề về: Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Nội dung quy tắc hướng dẫn thực thi DOC; Thông cáo báo chí Tòa Trọng tài Biển Đông (Cộng hòa Philippin và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa); Tóm tắt phán quyết của Tòa Trọng tài về thẩm quyền xét xử về nội dung các đệ trình của Philippin.
Như vậy có thể thấy, Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam được xuất bản nhằm đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân Việt Nam nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây chính là cơ sở pháp lý và những bằng chứng lịch sử có tính thuyết phục thể hiện vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển khác trên Biển Đông của Việt Nam.
Thông qua những tư liệu được giới thiệu trong Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam, bạn đọc có thể thấy rõ: Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm, được các triều đại phong kiến, các nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục và hòa bình.
Sổ tay cũng giới thiệu tới bạn đọc những thành tựu phát triển kinh tế biển, đảo của từng địa phương, các ngành và cả nước; đưa ra chiến lược, mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển và bài học kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển…
* Cùng với cuốn Sổ tay Công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cùng phối hợp xuất bản cuốn Tài liệu tham khảo về Chiến lược phát triển kinh tế biển.
Tài liệu tham khảo về Chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc cho bạn đọc về các chiến lược, định hướng, kế hoạch hành động để phát triển kinh tế biển xanh, bền vững của Đảng, Nhà nước ta giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Ban Biên soạn, cuốn sách đề cập khái quát về kinh tế biển đặt trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, có tác động, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế biển Việt Nam là tài nguyên, môi trường biển và cảng biển Việt Nam./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!