ĐỀ CƯƠNG
Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV
và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021
____
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ tiến hành vào ngày Chủ nhật 22.5.2016.
Đây là sự kiện quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
I- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
1- SỰ RA ĐỜI CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM
1.1- Quốc dân Đại hội Tân Trào
Chiều ngày 16.8.1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài (Thái Lan và Lào). Đại hội tiến hành trong khi Lệnh Tổng khởi nghĩa vừa phát đi, cho nên phải họp khẩn trương, “chớp nhoáng” để các đại biểu có thể về các vùng chiến sự ở địa phương lãnh đạo khởi nghĩa. Đại hội đại biểu quốc dân đã có ba quyết định lớn:
- Nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh;
- Thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập;
- Thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Đại hội bế mạc vào ngày 17.8.1945. Trong buổi lễ bế mạc, ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam mới được quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16.8.1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc.
1.2- Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946 và sự ra đời của Quốc hội Việt Nam
Ngày 03.9.1945, chỉ một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Ngày 8.9.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16-17.8.1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”.
Để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho cuộc Tổng tuyển cử, ngày 26.9.1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử và Sắc lệnh số 51-SL, ngày 17.10.1945 quy định Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Ngày Chủ nhật, 6.01.1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra tràn đầy phấn khởi và được chuẩn bị, tổ chức chu đáo. Tại Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Ở các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam bộ, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Tất cả 71 tỉnh, thành có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu; phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu của các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 thắng lợi, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, với sự ra đời của nghị viện nhân dân - Quốc hội do toàn dân bầu ra.
2- VỊ TRÍ, VAI TRÒ, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA QUỐC HỘI
Điều 69 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
2.1- Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân
Quốc hội là cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bầu cử đại biểu Quốc hội là kết quả lựa chọn thống nhất của nhân dân cả nước;
- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc đại diện cho trí tuệ của nhân dân cả nước;
- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước;
- Quốc hội chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
2.2- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; nhân dân là người chủ của quyền lực nhà nước. Quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có Quốc hội mới có quyền biến ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính bắt buộc, tính cưỡng chế nhà nước đối với các tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp đã quy định: Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước (như những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia…); thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
2.3- Chức năng lập pháp
Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền thông qua Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; thông qua luật và sửa đổi luật. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy định các vấn đề quan trọng nhất về tổ chức nhà nước, chế độ chính trị, kinh tế và các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân… Luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao sau Hiến pháp. Các văn bản quy phạm pháp luật khác do cơ quan nhà nước ban hành phải căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội và không được trái với tinh thần, nội dung của Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
2.4- Chức năng giám sát
Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước. Theo đó Quốc hội giám sát việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Các cơ quan này chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Chức năng giám sát của Quốc hội được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
2.5- Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.
Những vấn đề quan trọng của đất nước do Quốc hội quyết định gồm: các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; các vấn đề chiến tranh và hòa bình; các vấn đề về đối ngoại.
II- VỊ TRÍ, VAI TRÒ, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân dân và của công dân ở địa phương.
Hội đồng nhân dân có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế (quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách…); giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; dân tộc và tôn giáo; bảo đảm thi hành pháp luật; xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính…thông qua việc quyết định những quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, các chủ trương và biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển ở từng địa phương.
Trong lĩnh vực kinh tế,
Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện những nhiệm vụ quyền hạn:
(1)- Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển ngành và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn trong phạm vi quản lý; lĩnh vực đầu tư và quy mô vốn đầu tư theo phân cấp của Chính phủ;
(2)- Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công ở địa phương và thông qua cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế ở địa phương; bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của Pháp luật;
(3)- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
(4)- Quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
(5)- Quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân và mức huy động vốn theo quyết định của pháp luật;
(6)- Quyết định phương án quản lý, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực ở địa phương;
(7)- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Hội đồng nhân dân cấp huyện:
(1)- Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chủ trương, biện pháp về xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình ở địa phương;
(2)- Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và biện pháp phát huy mọi tiền năng của các thành phần kinh tế ở địa phương, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của pháp luật;
(3)- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
(4)- Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi và biện pháp bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật;
(5)- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:
(1)- Quyết định biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm; kế hoạch sử dụng lao động công ích hàng năm; biện pháp thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung;
(2)- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
(3)- Quyết định biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương;
(4)- Quyết định biện pháp xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế hộ gia đình ở địa phương;
(5)- Quyết định biện pháp quản lý sử dụng và bảo vệ nguồn nước, các công trình thủy lợi theo phân cấp của cấp trên; biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, bảo vệ rừng, tu bổ và bảo vệ đê điều ở địa phương;
6)- Quyết định biện pháp thực hiện xây dựng, tu sửa đường giao thông, cầu, cống trong xã và các cơ sở hạ tầng khác ở địa phương;
(7)- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính
Hội đồng nhân dân tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
(1)Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
(2)- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
(3)- Phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp theo hướng dẫn của Chính phủ;
(4)- Quyết định tổng biên chế sự nghiệp ở địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng ngân sách của địa phương; thông qua tổng biên chế hành chính của địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;
(5)- Quyết định chính sách thu hút và một số chế độ khuyến khích đối với cán bộ, công chức trên địa bàn phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương; quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ;
(6)- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định; quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương theo quy định của pháp luật;
(7)- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện;
(8)- Giải tán hội đồng nhân dân cấp huyện trong trường hợp hội đồng nhân dân đó làm thiệt hai nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành;
(9)- Phê chuẩn nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp huyện về việc giải tán hội đồng nhân dân cấp xã.
Hội đồng nhân dân cấp huyện;
(1)- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
(2)- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
(3)- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết trái pháp luật của hội đồng nhân dân cấp xã;
(4)- Giải tán hội đồng nhân dân cấp xã trong trường hợp hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn trước khi thi hành;
(5)- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điêu chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.
Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:
(1)- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch và thành viên khác của Ủy ban nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
(2)- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
3)- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp;
(4)- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.
III- CÁC KỲ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
1- Khóa I (1946-1960)
- Bầu cử ngày 06.01.1946
- Tổng số đại biểu Quốc hội: 403 (gồm 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử, trong đó có 20 đại biểu thuộc Việt Nam cách mạng đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam quốc dân Đảng), Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La có 02 đại biểu.
2- Khóa II (1960 - 1964)
- Bầu cử ngày 8.5.1960.
- Tổng số đại biểu 453, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm. Đoàn đại biểu Quốc hội của Khu tự trị Thái Mèo[1] có 11 đại biểu, trong đó đơn vị bầu cử địa bàn Sơn La có 5 đại biểu.
3- Khóa III (1964-1971)
- Bầu cử ngày 26.4.1964.
- Tổng số đại biểu: 453, trong đó có 87 đại biểu lưu nhiệm, tỉnh Sơn La có 7 đại biểu.
4- Khóa IV (1971-1975)
- Bầu cử ngày 11.4.1971.
Tổng số đại biểu 420, trong đó tỉnh Sơn La có 07 đại biểu
5- Khóa V (1975-1976)
- Bầu cử ngày 06.4.1975.
- Tổng số đại biểu 424, trong đó tỉnh Sơn La có 08 đại biểu
6- Khóa VI (1976-1981)
- Bầu cử ngày 25.4.1976.
- Tổng số đại biểu 492, trong đó tỉnh Sơn La có 04 đại biểu
7- Khóa VII (1981-1987)
- Bầu cử ngày 26.4.1981.
- Tổng số đại biểu 496, trong đó tỉnh Sơn La có 04 đại biểu[2]
8- Khóa VIII (1987-1992)
- Bầu cử ngày 19.4.1987.
- Tổng số đại biểu 496, trong đó tỉnh Sơn La có 04 đại biểu
9- Khóa IX (1992-1997)
- Bầu cử ngày 19.7.1992.
- Tổng số đại biểu 395, trong đó tỉnh Sơn La có 04 đại biểu
10- Khóa X (1997-2002)
- Bầu cử ngày 20.7.1997.
- Tổng số đại biểu 450, trong đó tỉnh Sơn La có 06 đại biểu
11- Khóa XI (2002-2007)
- Bầu cử ngày 19.5.2002.
- Tổng số đại biểu 498, trong đó tỉnh Sơn La có 07 đại biểu
12- Khóa XII (2007-2011)
- Bầu cử ngày 20.5.2007.
- Tổng số đại biểu 493, trong đó tỉnh Sơn La có 06 đại biểu
13- Khóa XIII (2011-2015)
- Bầu cử ngày 22.5.2011.
- Tổng số đại biểu 500, trong đó tỉnh Sơn La có 07 đại biểu
IV- CÁC KỲ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
1- Khóa I (1963-1965)
Ngày bầu cử: 09 tháng 6 năm 1963. Gồm 66 đại biểu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 98%.
2- Khóa II (1965-1968)
Ngày bầu cử: 25 tháng 4 năm 1965. Gồm 70 đại biểu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,7% .
3- Khóa III (1968-1971)
Ngày bầu cử: 28 tháng 4 năm 1968. Gồm 75 đại biểu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,7%.
4- Khóa IV (1971-1974)
Ngày bầu cử: 25 tháng 4 năm 1971. Gồm 65 đại biểu
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,32%
5- Khóa V (1974-1977)
Ngày bầu cử: 05 tháng 5 năm 1974. Gồm 83 đại biểu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 98,94%
6- Khóa VI (1977-1981)
Ngày bầu cử: 15 tháng 5 năm 1977. Gồm 95 đại biểu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,35%
7- Khóa VII (1981-1985)
Ngày bầu cử: 26 tháng 4 năm 1981. Gồm 99 đại biểu.
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: trên 98%
8- Khóa VIII (1985-1989)
Ngày bầu cử: 21 tháng 4 năm 1985. Gồm 89[3] đại biểu.
9- Khóa IX (1989-1994)
Ngày bầu cử: 19 tháng 11 năm 1989. Gồm 68 đại biểu.
10- Khóa X (1994-1999)
Ngày bầu cử: 20 tháng 11 năm 1994. Gồm 59 đại biểu:
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 98,36%
11- Khóa XI (1999-2004)
Ngày bầu cử: 14 tháng 11 năm 1999. Gồm 64 đại biểu
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,19%
12- hóa XII (2004-2011)
Ngày bầu cử: 25 tháng 4 năm 2004. Gồm 66 đại biểu
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,62%
13- Khóa XIII (2011-2016)
Ngày bầu cử: 22.5.2011. Gồm 70 đại biểu
Tỷ lệ cử tri đi bầu cử: 99,65%.
V- NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ĐƯỢC BỔ SUNG CHO PHÙ HỢP VỚI HIẾN PHÁP NĂM 2013 VÀ TÌNH HÌNH MỚI
1- Quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây. Ngày bầu cử Quốc hội phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất trước 115 ngày thay vì 105 ngày như trước đây. Việc tăng thêm 10 ngày tạo điều kiện về thời gian để chuẩn bị và tiến hành các trình tự bầu cử được thuận lợi hơn, nhất là đảm bảo các bước trong quy trình hiệp thương được tốt hơn.
2- Quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đảm bảo có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
3- Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
4- Những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.
VI- CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH SƠN LA
Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 29.01.2016 về lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Quyết định số 120-QĐ/TU ngày 29.01.2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 29.01.2016 về việc thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ngày 03.01.2016 Ủy ban bầu cử tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ nhất thông qua Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử tỉnh và các dự thảo văn bản triển khai nhiệm vụ của Ủy ban bầu cử tỉnh.
Ngày 03.2.2016, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành Thông báo số 01/TB-UBBC phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ủy ban bầu cử tỉnh; Kế hoạch số 03/KH-UBBC triển khai thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; Quyết định số 04/QĐ-UBBC ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban bầu cử; Quyết định số 02/QĐ-UBBC ngày 03.2.2016 thành lập các tổ giúp việc của Ủy ban bầu cử tỉnh gồm: tổ nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo; tổ bảo đảm về cơ sở vật chất; tổ đảm bảo về an ninh trật tự an toàn xã hội; tổ thông tin tuyên truyền.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành Thông báo số 07/TB-UBBC ngày 16.2.2016 về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; Quyết định số 17/QĐ-UBBC ngày 25.02.2016 về việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử; số đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021.
VII- TIÊU CHUẨN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021
1- Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV
1.1- Tiêu chuẩn chung
Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
1.2- Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách:
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau:
- Về trình độ, chức vụ:
+ Có trình độ đại học trở lên; có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí công tác dự kiến phân công.
+ Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh tổng cục trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ Quân đội, Công an thì phải giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên.
+ Người ứng cử đại biểu Quốc hội làm phó trưởng đoàn chuyên trách ở địa phương giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên là tỉnh ủy viên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
- Về độ tuổi: (ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi nêu trên).
+ Người lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa. Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2016 (nam sinh từ tháng 11/1958, nữ sinh từ tháng 11/1963 trở lại đây).
+ Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015 của Chính phủ và cán bộ nữ là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị (Công văn số 12278-CV/VPTW ngày 03/12/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng) được tái cử nếu sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây.
+ Các đồng chí không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, bố trí công tác phù hợp hoặc giữ nguyên một số chế độ, chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu; những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi thì giải quyết theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ.
+ Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử được giữ chức vụ và công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự, cụ thể:
+ Đối với cán bộ ở các cơ quan Trung ương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe.
+ Đối với cán bộ ở địa phương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe.
Trường hợp cần giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đối với một số đồng chí có năng lực, trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của Quốc hội; có uy tín và sức khỏe ngoài độ tuổi quy định nêu trên, thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xem xét, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.
2- Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
2.1- Tiêu chuẩn chung
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; ngườiđứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.
2.2- Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách
Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Về trình độ, chức vụ:
+ Có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.
+ Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là tỉnh ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy) giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức vụ trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
+ Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là huyện ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ huyện ủy), giữ chức trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên.
Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm trưởng các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.
+ Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là ủy viên ban thường vụ Đảng ủy xã; đối những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã; phấn đấu lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và khả năng phát triển.
- Về độ tuổi: (ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi độ tuổi nêu trên).
+ Người lần đầu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ; nếu tái cử thì thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/8/2014 của Ban Tổ chức Trung ương (nam sinh từ tháng 9/1958, nữ sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây).
+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CPngày 29/5/2015 của Chính phủ thì tuổi tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nếu sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động.
+ Người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở những huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, một số trường hợp đặc biệt có thể áp dụng tương tự đối với đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử.
- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe).
VIII- CƠ CẤU PHÂN BỔ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA TỈNH SƠN LA
Trên cơ sở kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi xem xét, cân nhắc điều kiện thực tiễn của các địa phương, cân đối yêu cầu chung của cả nước, quyết định ban hành Nghị quyết số 1153/2016/UBTVQH13 ngày 22.2.2016 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Theo đó cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh Sơn La được phân bổ gồm 07 đại biểu. Trong đó: số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương: 04 đại biểu; số đại biểu do Trung ương giới thiệu: 03 đại biểu.
IX- KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
1- Nhiệt liệt chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
2- Ngày 22.5.2016, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
3- Cử tri cả nước tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
4- Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là quyền lợi của mỗi công dân!
5- Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là ngày hội của toàn dân!
6- Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
7- Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân!
8- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021!
9- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
10- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
11- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ
[1] Ghi chú: thời kỳ 1955 - 1962: không có đơn vị hành chính cấp tỉnh; các huyện (châu) trực thuộc Khu tự trị Thái - Mèo.
[3] Cuộc bầu cử đã bầu 90 đại biểu HĐND tỉnh, sau bầu cử, có một đại biểu mắc khuyết điểm nghiêm trọng, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu không công nhận tư cách đại biểu với sự thông qua của 100% đại biểu do vậy số lượng đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII là 89.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!