Chỉ còn 2 tuần nữa là đến ngày bầu cử, vấn đề đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cử tri sáng suốt lựa chọn người xứng đáng nhất bầu ra 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các đại biểu HĐND các cấp ở địa phương đang được triển khai mạnh mẽ.
Tiểu sử ứng cử viên và danh sách cử tri đã được các địa phương niêm yết ở những nơi dễ nhìn để thu hút sự quan tâm của nhân dân.
Công tác tuyên truyền thông suốt, kịp thời
Ngay khi Quốc hội công bố Nghị quyết về Ngày bầu cử, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 51, công tác tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã bắt đầu và triển khai rộng rãi. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về cuộc bầu cử với các hình thức sáng tạo, phong phú.
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền trong công tác bầu cử, phát biểu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 do MTTQ Việt Nam tổ chức, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chinh trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhấn mạnh: cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần được tăng cường, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân. Công tác tuyên truyền phải làm cho người dân nắm được Luật Bầu cử, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời.
“Đặc biệt, sau hội nghị hiệp thương, công tác thông tin tuyên truyền gắn với vận động bầu cử nhưng đồng thời cũng bắt đầu giới thiệu nhân sự các ứng cử viên trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các địa bàn, các điểm bầu cử. Do đó, công tác tuyên truyền phải hết sức toàn diện và bình đẳng từng ứng cử viên khi tiếp xúc cử tri. Công tác tuyên truyền phải góp phần vận động, khích lệ, động viên” - đồng chí Tòng Thị Phóng nêu rõ.
Còn khoảng 2 tuần nữa, hoạt động bầu cử sẽ diễn ra. Do vậy, đây chính là dịp cao điểm để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động của mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên của các tổ chức đảng, đoàn thể, qua hoạt động thông tin cổ động, qua hoạt động của các tổ chức giới thiệu ứng cử viên ĐBQH. Các hoạt động cấp, phát tờ rơi để các cử tri hiểu rõ hơn về bầu cử, ứng cử viên cũng đang được triển khai rộng khắp…
Đáng chú ý, những ngày qua, trên khắp cả nước, công tác tuyên truyền về bầu cử đang được tiến hành song song với lộ trình chuẩn bị bầu cử. Càng gần đến ngày bầu cử, công tác tuyên truyền ở các phường, xã, quận, huyện trên khắp cả nước càng được đẩy mạnh để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, thấy được vai trò và trách nhiệm của cử tri khi cầm lá phiếu lựa chọn ra những đại biểu có đức, có tài đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, trên khắp các ngả đường, từ đường làng, ngõ xóm đến các khu dân cư đều rực rỡ màu đỏ cờ Tổ quốc và băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ cổ động trực quan cho cuộc bầu cử.
Được triển khai sâu rộng tại các địa phương trên cả nước với nhiều hình thức phong phú, sinh động, công tác tuyên truyền đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia bầu cử, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử. Điểm niêm yết danh sách cử tri và tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên được đặt tại những công trình sinh hoạt văn hoá cộng đồng, khu vực đông người qua lại và được trang trí bắt mắt để thu hút sự quan tâm của cử tri.
Sâu rộng, linh hoạt, phong phú đến cơ sở
Tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban bầu cử huyện đã cấp phát gần 2.000 cuốn Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; gần 900 cuốn tài liệu phục vụ công tác bầu cử; 11 cuốn hỏi đáp về bầu cử; 100 băng đĩa; gần 99.0003 thẻ cử tri, 5.619 danh sách cử tri... cho các cơ quan, địa phương và các tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 27/4, toàn huyện đã thực hiện 100 tin, bài tuyên truyền, gần 100 lượt xe lưu động dọc các tuyến đường chính của tỉnh, huyện; xây dựng 65 cụm thông tin cổ động, pano, áp phích, 1 cổng chào điện tử, 549 băng rôn, khẩu hiệu tường tuyên truyền về cuộc bầu cử. Đài truyền thanh huyện và cơ sở bình quân tổ chức phát tin tuyên truyền về công tác bầu cử 2 lần/ngày với thời lượng phát sóng 30 phút/lần. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện tổ chức hơn 1.000 hội nghị để tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp…
Là một trong những huyện xa trung tâm thành phố Hà Nội, trong những ngày này, huyện Phúc Thọ đang đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử trên hệ thống loa truyền thanh, đều đặn ngày 2 lần. Việc tuyên truyền được triển khai đồng bộ tại tất cả các xã, trong đó, tập trung tuyên truyền để cử tri hiểu rõ Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đáng chú ý, tối 27/4, Huyện ủy Phúc Thọ đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn huyện tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng “Tìm hiểu Luật bầu cử ĐBQH và HĐND” và cách thức tuyên truyền đưa nghị quyết đại hội Đảng vào cuộc sống. Chương trình được tổ chức đồng loạt vào 19h30 ngày 27/4 tại 100% cụm dân cư và một số cơ quan trên địa bàn huyện. Tại mỗi cụm dân cư, đại diện các hộ gia đình cử đại diện tham gia các tiết mục văn hóa, văn nghệ và giao lưu tìm hiểu các quy định về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp như quyền bầu cử, phiếu bầu, thời gian bầu cử, bầu cử trong một số trường hợp đặc biệt…
Tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai bà Trưng, Hà Nội, công tác tuyên truyền không chỉ trên hệ thống loa truyền thanh, mà UBND phường còn phối hợp với Hội Luật gia thành phố tổ chức giới thiệu, giải đáp những thắc mắc liên quan đến Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND tới 150 người là bí thư các chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng các ban bầu cử.
Đồng chí Trần Thị Minh Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết: Là phường đông dân nhất của quận, lại có những khu chung cư lớn như khu đô thị Vinhomes Times City, khu chung cư Hòa Bình Green City, chung cư 25-27 Lạc Trung, nên công tác tuyên truyền về bầu cử cũng được tổ chức linh hoạt với nhiều hình thức phong phú. Ngoài việc niêm yết danh sách cử tri tại 9 điểm bầu cử của phường, ngay tại mỗi tòa chung cư, UBND phường treo bảng niêm yết danh sách cử tri để nhân dân tiện theo dõi. Đồng thời phối hợp với bí thư chi bộ, ban công tác mặt trận các khu chung cư để thông báo về thời gian, địa điểm diễn ra các hội nghị tiếp xúc với ứng cử viên để đông đảo cử tri đến dự, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.
Tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, để công tác tuyên truyền đạt kết quả cao, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ cho các xã, thị trấn sửa chữa, cải tạo hệ thống truyền thanh cơ sở và nhà văn hóa. Đồng chí Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền bầu cử huyện Gia Bình cho biết, ngoài việc treo các băng rôn, khẩu hiệu, pano, các thôn đều được trang bị đầy đủ loa phóng thanh nên vào các buổi sáng và chiều hằng ngày, người dân được nghe nhiều thông tin về cuộc bầu cử. Mỗi buổi, ngoài giờ tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh huyện Gia Bình còn xây dựng các chuyên mục riêng về bầu cử để tuyên truyền Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; các thông tin về tiến độ triển khai công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn để nhân dân nắm rõ.
Có thể thấy, không khí của ngày bầu cử đang diễn ra náo nức, với sự chuẩn bị tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong cả nước, chúng ta tin tưởng, các cử tri trên cả nước sẽ tham gia đầy đủ thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình. Và ngày 22/5 thật sự sẽ trở thành ngày hội của nhân dân các dân tộc trên cả nước./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!