Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La vừa nghiệm thu Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan của huyện Sốp Cộp. Dự án do Trung tâm phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì thực hiện, để xây dựng thương hiệu, bảo tồn nguồn giống lúa nếp địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bộ nhận diện thương hiệu "Nếp Mường Và - Sốp Cộp" cho sản phẩm gạo nếp tan đóng túi loại 5 kg.
Giống lúa nếp tan đang được canh tác phổ biến từ lâu trên địa bàn huyện Sốp Cộp, bao gồm: Tan Đỏ, Tan Nhe, Tan Lo và một số giống mới được du nhập vào trồng những năm gần đây, như: Tan Pụa, Tan Lanh, Tan Hin. Toàn huyện hiện có trên 1.100 ha trồng lúa nếp tan, sản lượng hàng năm khoảng 4.500 - 5.000 tấn. Diện tích lúa nếp tan tập trung chủ yếu tại 5 xã: Mường Lạn, Mường Và, Dồm Cang, Púng Bánh, Nậm Lạnh, với diện tích trên 850 ha, tương đương với sản lượng khoảng 3.700 tấn.
Xã Mường Và là địa phương trồng lúa nếp tan lớn nhất với gần 300 ha, là nơi trồng lúa nếp nổi tiếng nhất, thơm ngon nhất so với các xã còn lại, cái tên nếp Mường Và cũng được biết đến nhiều hơn với những người thương lái cũng như người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Do vậy, tên nếp Mường Và được thống nhất sử dụng để đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gạo nếp tan của huyện Sốp Cộp. Theo đánh giá, hàm lượng protein trong gạo nếp tan Mường Và khoảng 12,04%, khá cao so với những loại gạo khác như gạo Bắc thơm số 7 Điện Biên (trên dưới 8%), gạo tám Hải Hậu (khoảng 9%), nếp cái hoa vàng Đại Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có hàm lượng protein trên dưới 7%. Đây là một đặc tính nổi bật của nếp tan Mường Và - Sốp Cộp, góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho loại nếp tan này.
Qua 2 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng, bảo hộ thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan của huyện Sốp Cộp. Xây dựng được hệ thống nhận diện cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”; xây dựng các phương tiện quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm gạo nếp mang Nhãn hiệu chứng nhận nếp Mường Và theo chuỗi giá trị; hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc... Đặc biệt, để lựa chọn logo đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận nếp Mường Và - Sốp Cộp, đơn vị chủ trì Dự án đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến với sự tham gia của lãnh đạo huyện Sốp Cộp, các cơ quan quản lý Nhà nước của huyện, HTX, đại diện UBND và đại diện nông dân tại 5 xã. Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì Dự án đã tiến hành hỗ trợ, hướng dẫn Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sốp Cộp thực hiện các hoạt động thẩm định hồ sơ và tổ chức kiểm soát Nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Khảo sát thực địa tại 5 xã trồng lúa nếp tan để nắm được tình hình sản xuất của các hộ; in ấn, phát mẫu hồ sơ và hướng dẫn trực tiếp cho lãnh đạo xã, hộ nông dân trên địa bàn về cách thức, thủ tục nộp hồ sơ, hướng dẫn ghi chép sổ sách, nhật ký sản xuất; xây dựng bản tóm tắt các yêu cầu để cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng thực hiện, hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận. Cùng với đó, đơn vị chủ trì đã trực tiếp đến các xã để hỗ trợ chính quyền địa phương cũng như hộ trồng lúa trong việc xây dựng hồ sơ thủ tục để đăng ký sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận, tổ chức tập huấn về sở hữu trí tuệ, Nhãn hiệu chứng nhận cho các hộ gia đình, HTX sản xuất, kinh doanh gạo nếp tan, đã có 250 hộ gia đình, đơn vị đăng ký nộp hồ sơ xin sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và - Sốp Cộp”.
Nhóm thực hiện Dự án đã xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác lúa nếp tan mang Nhãn hiệu chứng nhận dựa trên quy trình kỹ thuật do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp soạn thảo kết hợp với ý kiến của các hộ nông dân trồng lúa nếp tan trên địa bàn 5 xã. Quy trình kỹ thuật đưa vào Quy chế quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận bao gồm các thực hành bắt buộc tối thiểu để sản xuất ra sản phẩm phẩm đạt tiêu chuẩn mang Nhãn hiệu chứng nhận, gồm các bước: Làm mạ, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Qua việc xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận, thị trường và kênh phân phối gạo nếp tan cũng bước đầu được mở rộng. Trước đây, gạo nếp tan cũng được đưa đến các tỉnh khác nhưng thông qua các kênh không chính thức như họ hàng, gia đình, người thân, bạn bè. Trong quá trình thực hiện, đơn vị chủ trì đã hỗ trợ thiết lập kênh phân phối gạo nếp tan Mường Và thông qua kết nối HTX Nam Phượng với đơn vị phân phối tại Hà Nội, tạo ra cơ sở ban đầu để hình thành các kênh phân phối khác trong tương lai.
Thành công của Dự án là bước khởi đầu để thương hiệu nếp Mường Và phát triển và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Huyện Sốp Cộp cần tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm, đưa sản phẩm tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm trên cổng thông tin điện tử của huyện và tỉnh, hỗ trợ HTX tìm kiếm đơn vị phân phối, góp phần mở rộng thị trường và tạo uy tín cho sản phẩm nếp tan Mường Và - Sốp Cộp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!