Xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản địa phương

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, bảo hộ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh thông qua việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, tổ chức công bố các văn bằng bảo hộ gắn với lễ hội của từng địa phương, tạo hiệu ứng tốt trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.

Chè Shan tuyết Mộc Châu được đăng ký bảo hộ tại thị trường Thái Lan.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, như: Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020; Đề án quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh giai đoạn 2018 - 2021... Phối hợp với các đơn vị tư vấn, các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 18 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La); 12 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận (chuối Yên Châu, chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, táo Sơn Tra, bơ Mộc Châu, na Mai Sơn, chè Phổng Lái Thuận Châu, nếp Mường Và Sốp Cộp, cá tầm, cá sông Đà); 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể (chè Tà Xùa Bắc Yên, Sơn La; mật ong Sơn La; khoai sọ Thuận Châu). Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan năm 2017, đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại thị trường nước ngoài, khẳng định thương hiệu chè của Mộc Châu trên thị trường quốc tế.

Các sản phẩm nông sản sau khi đăng ký thành công thương hiệu đã được nâng tầm giá trị và thương hiệu, khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, một số sản phẩm mang nhãn hiệu bước đầu tiếp cận thị trường nước ngoài, như: Nhãn, xoài, chanh leo... Để việc bảo vệ và phát huy giá trị thương hiệu, các doanh nghiệp, HTX được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại, gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch canh nông, trải nghiệm như: Du lịch cánh đồng chè Shan tuyết Mộc Châu; nghỉ dưỡng, trải nghiệm hái chè, sản xuất chè Olong tại các doanh nghiệp; du lịch lòng hồ sông Đà...

Công tác phối hợp trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản của tỉnh được triển khai hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương trong hoạt động phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững; liên kết với các tỉnh trong khu vực để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giao thương, đẩy mạnh hợp tác phát triển khoa học công nghệ cũng như phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản vùng miền trong cả nước, đưa nông sản Sơn La khẳng định vị thế trên thị trường, phục vụ công tác xuất khẩu. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các giải pháp quản lý và phát triển thương hiệu; định hướng chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo hộ, quản lý và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân thấy được vai trò, lợi ích của việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong việc phát triển thương hiệu cho nông sản.

HTX Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn có trên 50 ha na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ diện tích trồng na của 21 hộ thành viên đã được đầu tư công nghệ tưới ẩm của Israel, giúp đưa phân bón trực tiếp hòa tan vào nguồn nước tưới. Để ổn định đầu ra và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường, HTX Mé Lếch đã chuyển 5 ha na sang canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn phòng trừ sâu bệnh hại. Đến thời điểm này, na bắt đầu cho thu hoạch. Theo anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch, việc sản phẩm na Mai Sơn được cấp nhãn hiệu chứng nhận đã tạo thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị quả na của Mai Sơn, nhờ đó mà giá bán na cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng. HTX luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm quả na khi đưa ra thị trường.

 

Tọa đàm bảo hộ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực của địa phương

do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.

Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, như: Chanh leo Sơn La; mận hậu Sơn La; rau an toàn Sơn La; xoài Sơn La; nhãn Sơn La và bơ Sơn La. Mục tiêu hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho nông sản địa phương là hết sức cần thiết, ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản còn có ý nghĩa rất quan trọng là góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới