Vườn cây thuốc nam ở Trạm Y tế Chiềng Yên

Xã Chiềng Yên cách trung tâm huyện Vân Hồ gần 40 km, dù là đường nhựa nhưng đã xuống cấp, nên việc đi lại khá khó khăn. Một số bản cách trung tâm xã hàng chục km đường đồi dốc, vì vậy chỉ khi nào mắc bệnh nặng người dân mới về Trạm Y tế xã hoặc lên Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên để khám, chữa bệnh. Đây cũng là một trong những lý do để Trạm Y tế xã Chiềng Yên xây dựng vườn cây thuốc nam mẫu để hướng dẫn bà con sử dụng chữa các bệnh thông thường ngay tại xã.

 

Nhân viên Trạm Y tế xã Chiềng Yên chăm sóc vườn cây thuốc nam.

 

Là 1 trong 91 trạm y tế của các xã đặc biệt khó khăn của cả nước được Bộ Y tế lựa chọn đầu tư xây dựng từ tháng 2/2016 với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Hiện, Trạm Y tế xã Chiềng Yên được xây dựng khang trang, với khu nhà khám chữa bệnh 2 tầng, gồm: Phòng lưu bệnh nhân; phòng tư vấn sức khỏe; phòng siêu âm; phòng quản lý dược... và được trang bị tương đối đầy đủ các trang, thiết bị y tế như: Máy siêu âm, máy khí dung, máy đo đường huyết... cơ bản đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Xuất phát từ điều kiện thực tế người dân ở các bản xa trung tâm xã ít có điều kiện thường xuyên về Trạm Y tế xã khám bệnh, Trạm đã xây dựng vườn cây thuốc nam rộng gần 40 m2, bao gồm 50 loại cây, như: Bạc hà, bồ công anh, cam thảo, cỏ nhọ nồi, cỏ xước, gừng, húng, chanh, tía tô, kinh giới, mã đề... Mỗi loại cây được trồng vào một ô riêng và có gắn biển tên của cây thuốc để thuận lợi cho bà con trong xã đến tham quan, tìm hiểu về công dụng của từng loại cây chữa một số bệnh. Ví dụ như: Mắc bệnh cảm, khi nấu cháo cho lá tía tô để người bệnh ăn giải cảm; hoặc dùng lá xả, gừng, hương nhu, lá bưởi... đun sôi để xông cho người mắc bệnh cúm; cầm máu khi bị đứt tay, đứt chân bằng lá chó đẻ; đi ngoài dùng lá ổi giã nát pha chút nước đun sôi để nguội rồi uống; lúc trẻ sốt cao, lấy lá nhọ nồi giã nát bọc vào khăn đắp lên trán trẻ sẽ giảm sốt... Những công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng thật hữu ích cho người dân ở những bản xa trung tâm biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Trao đổi với chúng tôi về việc sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh cho người dân, bác sỹ Nguyễn Thị Tiến, Trạm trưởng Trạm cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người dân trong xã tham gia khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở chiếm khoảng 70%. Trong quá trình chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, nếu xác định có thể chữa được bằng cây thuốc nam, chúng tôi tư vấn và hướng dẫn bà con sử dụng cây thuốc nam kết hợp với thuốc tây để điều trị. Cũng có trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc nam, có nhiều trường hợp người bệnh sử dụng thuốc nam đã điều trị khỏi bệnh.

Hằng tháng, Trạm Y đều phân công cán bộ về các bản phối hợp với nhân viên y tế bản tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, đồng thời kết hợp hướng dẫn bà con dành một khoảnh đất trong vườn nhà để trồng một số loại cây thuốc nam, cũng như cách sử dụng của từng loại cây. Ông Hà Văn Khao, bản Niên nói: Trước đây, các loại cây thuốc này mọc nhiều trong vườn của gia đình, nhưng tôi không biết công dụng của từng loại cây để chữa bệnh. Được cán bộ y tế xã, bản hướng dẫn, khi gia đình có người cảm cúm, hoặc sốt, hay ho, tôi đều lấy cây thuốc trong vườn để chữa, nếu 2-3 ngày bệnh không thuyên giảm gia đình mới đưa về Trạm Y tế xã để chữa trị.

Phương châm chữa bệnh theo phương pháp đông tây kết hợp của Trạm Y tế xã Chiềng Yên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, không những giúp người dân tận dụng được những loại cây thuốc nam để chữa trị các bệnh thông thường kịp thời; người bệnh giảm sử dụng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết, mà còn tiết kiệm được chi phí cho việc điều trị bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân nơi đây.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới