Là xã đầu tiên của huyện Vân Hồ và cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh phát hiện bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện Vân Hồ đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.
Chốt kiểm dịch ra vào địa phận xã Chiềng Khoa (Vân Hồ).
Dịch bệnh được phát hiện từ ngày 26/11, khi tại xã Chiềng Khoa xuất hiện 5 con bò (3 con bản Chiềng Lè, 2 con bản Páng) có biểu hiện trên da nổi nhiều cục. Ngay sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Vân Hồ đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm trên con bò đã chết gửi Chi cục Thú y vùng I xét nghiệm. Đến chiều cùng ngày, có kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ngay sau đó, UBND huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với xã Chiềng Khoa nhanh chóng khoanh vùng, tập trung xử lý, tiến hành tiêu hủy 1 con bò bị nhiễm bệnh đã chết. Đồng thời, lập ngay các chốt kiểm dịch, phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện qua lại tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để tiếp xúc với mầm bệnh. Đến ngày 2/12, trên địa bàn xã Chiềng Khoa có tổng số 79 con bò của 49 hộ dân, thuộc 5 bản (Nà Chá, bản Páng, Chiềng Lè, Mường Khoa, bản Khòng) bị nhiễm bệnh.
Tại gia đình ông Vì Văn Thảo, bản Páng có 14 con bò, hiện 1 con đã bị mắc bệnh, ông Thảo cho biết, gia đình đã nuôi bò nhốt chuồng nhiều năm, luôn đảm bảo nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng các loại dịch bệnh theo định kỳ nên đàn bò luôn phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Bây giờ một con đã bị mắc bệnh, gia đình rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời vắc-xin tiêm phòng, hóa chất để phun khử trùng, tránh dịch bệnh lây sang những con bò khác.
Được biết, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo xã lập 4 chốt kiểm dịch, kiểm tra 24/24 giờ ra vào địa bàn xã Chiềng Khoa, cấp 100 lít hóa chất khử trùng, 200 kg vôi bột cho xã Chiềng Khoa, thực hiện phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi. Cùng với đó, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách ly gia súc bị ốm, theo dõi sát đàn bò, nếu phát hiện thêm vật nuôi bị ốm thì phải cách ly và báo cáo ngay cho trưởng bản, cán bộ thú y xã, chính quyền địa phương. Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Các ngành chức năng đang hướng dẫn các hộ tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò. Tiến hành phun khử trùng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất và thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng... để hạn chế mầm bệnh lây lan qua vật trung gian truyền bệnh. Tập trung tuyên truyền, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không thả rông trâu, bò, theo dõi sát sức khỏe đàn vật nuôi, nếu có biểu hiện khác thường báo ngay cho trưởng bản, cán bộ thú y viên cơ sở và chính quyền địa phương.
Huyện Vân Hồ hiện có 45.000 con trâu, bò (hơn 9.000 con trâu, 33.000 con bò thương phẩm, gần 3.000 con bò sữa). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cấp xã; phân công cụ thể cho từng thành viên phụ trách các bản, tiểu khu; tổ chức họp tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Đồng thời, chỉ đạo các xã chủ động mua vật tư, hóa chất, triển khai phun khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường khu chăn nuôi. Khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất diệt ruồi, muỗi, ve… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh. Duy trì chế độ báo cáo hằng ngày; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để khi có vắc-xin thì triển khai tiêm phòng, không để dịch bệnh lây lan diện rộng, đặc biệt là cần có biện pháp quyết liệt để bảo vệ an toàn cho gần 3.000 con bò sữa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!