Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 13/7, tình hình mưa, lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa.
Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái, trên sông Chảy tại Bảo Yên đang biến đổi chậm và duy trì ở mức cao; trên sông Lô tại Tuyên Quang và sông Thương tại Phủ Lạng Thương đang xuống chậm; trên sông Cầu tại Đáp Cầu đang lên chậm,. Đến trưa chiều ngày 13/7, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái là 28,8 m (dưới báo động 2 là 0,4m); trên sông Lô tại Tuyên Quang là 20,4 m (dưới báo động 1 là 1,6m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 3,6 m (dưới báo động 1 là 0,07m). Mực nước hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình biến đổi chậm. Lúc 7h00 ngày 13/7, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là + 5,16m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là + 2,48m. Dự báo, đến 7h00 ngày 14/7, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức + 5,3m; đến 19h00 ngày 13/7 mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng lên mức + 2,55m.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Về an toàn hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đang ở mức thấp, trong đó trung bình các hồ ở khu vực Bắc Bộ đạt 45-55% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 55-65% (riêng tại Thanh Hóa các hồ đạt trung bình 35%), ở khu vực Tây Nguyên trung bình ở mức 60-70% và Đông Nam Bộ trung bình ở mức 45-55%. Hiện các hồ chứa đang được vận hành theo đúng quy trình và trực theo dõi diễn biến mực nước, hiện trạng công trình 24/24h.
Về tình hình thiệt hại do mưa, lũ và sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, theo báo cáo của các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hòa Bình cập nhật tình hình thiệt hại do mưa, lũ từ ngày 06-12/7 như sau: Về người: 13 người; người mất tích: 01 người (không thay đổi so với báo cáo nhanh ngày 11/7). Về nhà ở, 462 nhà bị thiệt hại (tăng 287 nhà so với báo cáo nhanh ngày 11/7); 64 nhà phải di dời (tăng 12 nhà so với báo cáo nhanh ngày 11/7). Về nông nghiệp, có 1438,15 ha lúa (tăng 919,08 ha) và 42,63 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại. Về giao thông, có 135.125 m3 đất, đá sạt lở (tăng 32.810 m3); 03 cầu, 06 cống bị hư hỏng.
Tổng thiệt hại sơ bộ ban đầu ước tính trên 37,1 tỷ đồng.
Về công tác ứng phó, ngày 12/7/2017, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Công an đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc, các Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương và Công an các tỉnh miền núi phía Bắc về việc ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt là hồ thủy điện Tuyên Quang, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát; đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 997/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các công văn số 63/TWPCTT, số 64/TWPCTT ngày 11/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến thời tiết, trong đó các tỉnh Yên Bái, Lai Châu đã có Công điện gửi các Sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đang tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả, di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn, hỗ trợ các hộ bị thiệt hại ổn định đời sống, huy động lực lượng, máy móc xử lý các điểm sạt lở, đến nay hầu hết các đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ đã khắc phục tạm thời đảm bảo giao thông đi lại, còn một số đoạn đường liên xã vẫn chưa đi lại được./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!