Thuận Châu quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích

Những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Thuận Châu được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần quan trọng vào giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

 

 

Tháp Mường Bám tại bản Lào, xã Mường Bám được tu bổ, tôn tạo.

 

Trên địa bàn huyện Thuận Châu có 7 di tích, trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia (Di tích lịch sử Kỳ đài Thuận Châu, thị trấn Thuận Châu và Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Bám, xã Mường Bám); 4 di tích xếp hạng cấp tỉnh (Di tích lịch sử cầu Nà Hày, Di chỉ khảo cổ Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn; Di tích lịch sử Khu căn cứ du kích Long Hẹ, xã Long Hẹ; Di tích lịch sử Khu tự trị Thái - Mèo, thị trấn Thuận Châu) và Di tích lịch sử Đèo Pha Đin đang lập hồ sơ xếp hạng. Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, huyện phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các ngành liên quan tiến hành lập quy hoạch và cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, triển khai dự án tu bổ, tôn tạo đối với các di tích đã được xếp hạng. Cùng với đó, giao công tác quản lý di tích trực tiếp cho các đơn vị và các xã có di tích. Các địa phương có di tích đều thành lập Ban Quản lý di tích cấp xã do lãnh đạo UBND xã làm Trưởng ban; các ngành, đoàn thể liên quan và đại diện nhân dân nơi có di tích làm thành viên. Cùng với hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, huyện Thuận Châu còn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn phát huy giá trị các di tích; thực hiện kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý kịp thời vi phạm liên quan đến di tích nếu có; thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm chủ động tham mưu với cấp trên giải pháp quản lý, nâng tầm di tích; thực hiện việc cắm biển chỉ dẫn để thuận lợi cho du khách đến thăm quan, tìm hiểu các di tích trên địa bàn.

 

Nằm ngay tại trung tâm thị trấn Thuận Châu, Di tích lịch sử lưu niệm Kỳ đài Thuận Châu - nơi Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào ngày 7/5/1959 đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 20 tháng 4 năm 1995. Năm 1998, phần lễ đài và bia tưởng niệm đã được xây dựng lại; tháng 5/2017, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong khu Di tích lịch sử lưu niệm Kỳ đài Thuận Châu được khởi công xây dựng và khánh thành ngày 1/1/2018. Với việc làm tốt công tác tôn tạo, bảo vệ đã phát huy giá trị, Di tích đã trở thành  địa chỉ tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho nhân dân và là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, với các hoạt động, như: Dâng hương, kết nạp đoàn viên, kết nạp đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...

 

Tháp Mường Bám được xây dựng vào thế kỷ XVI và là một công trình lịch sử kiến trúc nghệ thuật cổ, chứa đựng giá trị tâm linh. Tháp Mường Bám thuộc bản Lào, được xây dựng trên đồi dốc với diện tích gần 1 ha, gồm quần thể 5 tháp: Một tháp chính và 4 tháp nhỏ. Tất cả 5 tháp có mặt chính quay về hướng Đông, phía trước là dòng suối Nậm Húa, hai bên sườn là những dãy núi trùng điệp tựa ôm lấy cụm tháp, phía sau tháp cũng là dãy núi cao che chắn. Vật liệu xây dựng tháp là loại gạch vồ, màu đỏ tươi do người dân địa phương sản xuất và được gắn với nhau bằng vôi, cát, mật. Tháp chính ở giữa cao 13 m, chia làm 4 tầng, đế tháp hình vuông, mỗi tầng tháp giống như bông sen nở được nối với nhau, các tầng tháp được thu nhỏ dần theo độ cao tạo sự thanh thoát, uy nghiêm; các tháp con có chiều cao 3,7 m và cũng được chia thành 4 tầng. Họa tiết trang trí trên các tháp chủ yếu là hình tượng những con vật (voi, rồng, rắn) hình vũ nữ nhảy múa; các hình hoa cúc, hoa chanh, lá đề, lá sen đều được đắp nổi trên thân tháp.

 

Trải qua thời gian dài, dưới tác động của yếu tố tự nhiên, di tích còn lại tháp mẹ và một tháp con. Với mục tiêu tu bổ, tôn tạo, phục hồi lại những kiến trúc nghệ thuật cổ của quần thể di tích Tháp Mường Bám, năm 2018, tỉnh Sơn La đã cho thực hiện việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích tháp Mường Bám, huyện Thuận Châu. Đến nay, các hạng mục chính cơ bản đã hoàn thành. Ông Lò Tiến Văn, Chủ tịch UBND xã Mường Bám, cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân về giá trị văn hóa của tháp Mường Bám. Đồng thời, giao cho các ngành, đoàn thể thực hiện việc vệ sinh xung quanh tháp để đảm bảo cảnh quan môi trường luôn sạch đẹp, tạo được ấn tượng cho du khách khi đến tham quan.

 

Thời gian tới, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, huyện Thuận Châu cần khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích, gắn kết phục vụ ngành du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới