Thuận Châu nguy cơ thất thu ngô vì sâu keo

Vụ ngô năm nay của Thuận Châu gặp rất nhiều khó khăn: Thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, bà con phải gieo giống muộn, khi cây ngô bắt đầu giai đoạn sinh trưởng thì sâu keo mùa thu tàn phá..., đã có trên 1.300 ha ngô nhiễm bệnh, khoảng 230 ha gần như mất trắng.

Cán bộ khuyến nông xã Phổng Lái hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu.

Theo tổng hợp, vụ ngô năm nay huyện Thuận Châu trồng trên 6.500 ha ngô, chủ yếu là các giống CP 501, NK66, NK67, NK4.300, LVN10, G59... Nhưng từ cuối tháng 4, sâu keo mùa thu xuất hiện phá hoại ngô. Loại sâu này có khả năng di trú xa, lây lan nhanh, gây hại nặng tại các vùng bị xâm nhiễm. Hiện, sâu keo mùa thu đã gây hại trên địa bàn 22 xã, gây nhiễm 1.352,60 ha (nhiễm nhẹ 683,2 ha, nhiễm trung bình 431,45 ha, nhiễm nặng 237,95 ha), mật độ trung bình 4-6 con/m2, cao 10 con/m2, cục bộ 25 con/m².

Phổng Lái là địa phương có trên 300 ha ngô bị gây hại, mặc dù đã được các đơn vị chức năng hướng dẫn phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng bởi là loại sâu bệnh mới nên hiệu quả còn hạn chế, khó chấm dứt khả năng lây lan. Để ghi nhận mức độ thiệt hại, chúng tôi đến bản Mô Cổng, nhìn từ xa, những nương ngô trông vẫn xanh tốt, nhưng khi lại gần mới thấy, sâu keo mùa thu đã ăn cụt lá và ngọn ngô. Nương ngô gia đình ông Thào Sếnh Nếnh rộng chừng 1 ha bị sâu gặm nham nhở, những lá ngô xanh tốt giờ thủng lỗ chỗ. Ông Nếnh xót xa: Cách đây gần 2 tháng, phát hiện ngô bị sâu ăn lá và nõn. Sâu gần giống sâu đất, thân to, dài, cây nào ít 1 con, nhiều 3 - 4 con nằm gọn trong thân ngô. Chỉ sau 10 ngày mà nương ngô nhà tôi như vừa trải qua trận mưa đá. Còn anh Sùng A Só, Trưởng bản Mô Cổng, cho biết: Cả bản có khoảng 40 ha ngô, nhưng gần như bị gây hại toàn bộ. Phát hiện sâu keo mùa thu trên cây ngô, chúng tôi đã báo cáo với xã và được cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống các bản rà soát, kiểm tra, xin ý kiến cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân các phương pháp phòng trừ.

Chúng tôi tiếp tục đến bản Nậm Giắt để tìm hiểu về mức độ tàn phá, gây hại của sâu keo mùa thu. Ở đây, ngô được trồng ngô gối vụ, nên bên cạnh những nương ngô đã trổ bắp còn có cả những nương ngô vừa mới trồng. Nhưng chỗ nào, cây ngô cũng đều bị sâu keo tàn phá, nếu những cây ngô non chúng thường cắn lá, thì những cây ngô trưởng thành sâu keo lại hay chui vào phần ngọn ăn đẻ trứng và làm kén. Đứng bên nương ngô bị sâu phá hoại nặng nề, anh Ly Sáy Sùng lo lắng: Gia đình tôi có gần 1 ha ngô, từ khi phát hiện sâu keo, gia đình đã tiến hành phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Tuy nhiên việc phun thuốc chỉ diệt được sâu trưởng thành, còn sâu non và trứng trú ngụ trong nõn cây ngô nên rất khó tiêu diệt. Một ha ngô cần 60 gói thuốc (phun kép 2 lần để trừ sâu) mất 1.500.000 đồng, chi phí này khá lớn đối với gia đình tôi và các hộ trong bản.

Đồng chí Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, nói với chúng tôi: Trước tình hình bùng phát của sâu keo mùa thu, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông cùng các ban, ngành xuống địa bàn để nhận định tình hình và xác minh mức độ thiệt hại, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục, hạn chế lây lan của sâu bệnh. Hiện xã đang hướng dẫn bà con phun thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp hai loại thuốc Dylan 10WG và thuốc Finico 800 WG.

Tại xã Tông Lạnh, toàn xã có 182 ha thì 107 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu, đặc biệt, mật độ sâu rất cao, có nơi lên đến 20 con/m2. Mặc dù chính quyền xã và người dân đã thực hiện nhiều biện pháp diệt trừ nhưng chưa hiệu quả. Trước nguy cơ mất trắng cả nương ngô, ông Lù Văn Sạng, bản Trai Chanh, buồn rầu: Đã nhiều năm làm nông nghiệp, nhưng lần đầu tiên tôi thấy có loại sâu tàn phá ghê gớm như thế này, nhất là diện tích ngô đang xoáy nõn và trổ cờ. Cán bộ khuyến nông tư vấn mua thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đã phun đến lần thứ 4 rồi mà vẫn không diệt được tận gốc, chúng vẫn phát triển, thậm chí không chết.

Theo bà con ở đây, khi ngô nhiễm sâu, phát hiện 2 đến 4 cá thể sâu trưởng thành trên một cây, chúng có thể ăn rách nát hết phần ngọn trong một vài ngày và thải ra lượng phân lớn; sâu non hơn thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Một đặc điểm nổi bật nữa là sâu phản ứng giả chết, cuộn tròn khi chạm vào; màu sắc cơ thể thay đổi theo tuổi sâu và điều kiện ngoại cảnh. Chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn thường bị cắn đứt trước, sau đó ăn dần các lá tiếp theo.

Trước sự tàn phá của sâu keo mùa thu trên cây ngô, huyện Thuận Châu đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và thực hiện công tác phòng chống. Nhiều giải pháp đã được đưa ra: Sử dụng bẫy dính màu vàng có chứa Pheromol giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành; đối với những nương ngô có mật độ sâu non cao, sau khi phun tiến hành theo dõi, nếu sâu vẫn gây hại phun nhắc lại lần 2. Phun lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày (thuốc phun lần 2 khác lần 1 để hạn chế sâu nhờn thuốc). Tốt nhất phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun thuốc vào buổi trưa, nếu phun bằng máy phải giảm áp lực của bình để thuốc ra chậm và đều. Đặc biệt, cần vệ sinh sạch sẽ nương ngô, hạn chế trung gian truyền bệnh, làm đứt chuỗi thức ăn để hạn chế sâu phát triển; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và thông báo kịp thời với chính quyền và cán bộ khuyến nông để được hướng dẫn biện pháp phòng trừ.

Bà Đinh Thị Hoài Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho hay: Đơn vị thường xuyên cử cán bộ cùng khuyến nông cơ sở bám sát ruộng đồng, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại ngô. Trung tâm đã khuyến cáo người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, hiện đang sử dụng hoạt chất Indoxacard (Obaone 95WG) để phun trừ. Trung tâm cũng đã chỉ đạo viên chức phụ trách các xã phối hợp với khuyến nông cơ sở hướng dẫn 2.170 lượt người của các hộ trồng ngô cách phòng trừ sâu keo mùa thu; phun phòng trừ 1.318 ha ngô tại 22 xã trên địa bàn.

Sâu keo mùa thu đang thực sự là mối nguy hại lớn không chỉ đối với người nông dân trồng ngô ở Thuận Châu mà còn là nỗi lo của nông dân trồng ngô toàn tỉnh. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng trừ, người dân hết sức lo lắng về khả năng phục hồi những diện tích đã bị gây hại. Ngay lúc này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng từ tỉnh, huyện đến xã trong việc “giải cứu” cây ngô khỏi bệnh sâu keo mùa thu, tránh để bùng phát thành dịch trên diện rộng.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới