Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại bản Bon A, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, là địa bàn giáp danh với huyện Thuận Châu. Trước tình hình bệnh dịch có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn, huyện Thuận Châu đang tiến hành các biện pháp chủ động ngăn chặn, sẵn sàng ứng phó kịp thời để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh xảy ra.
Công nhân Công ty TNHH Hoa Đính vệ sinh hệ thống chuồng nuôi lợn thương phẩm.
Ngay sau khi nắm được thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, huyện Thuận Châu đã tổ chức họp triển khai các biện pháp ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Theo đó, đã quán triệt, yêu cầu các địa phương, đơn vị, người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của tỉnh Sơn La về các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh dịch bệnh trên địa bàn huyện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, các sản phẩm của lợn; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nếu phát hiện kiên quyết xử lý theo pháp luật; thực hiện xử lý thức ăn thừa có nguồn gốc chế biến từ thịt lợn, tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại vùng giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Từ ngày 7/3, huyện Thuận Châu đã thành lập 2 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại bản Nà Cẩu, xã Mường Bám và tại bản Pha Lao, xã Phổng Lái. Các chốt duy trì việc trực 24/24 giờ, với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn; lập biên bản xử lý theo pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật không chấp hành các quy định về kiểm dịch động vật, mang mầm bệnh hoặc không đảm bảo vệ sinh thú y; khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển, hướng dẫn, giám sát việc xử lý tiêu hủy khi phát hiện lợn mắc bệnh và các sản phẩm từ lợn đã bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm khác.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn huyện Thuận Châu, mặc dù công tác phòng, chống dịch tại chỗ của các địa phương được thực hiện khá bài bản, song nguy cơ lây nhiễm bệnh vẫn có khả năng cao, xâm nhập theo nhiều nguồn, nhiều tuyến đường. Nhất là việc trên địa bàn huyện có quốc lộ 6 chạy qua, lưu lượng hàng hóa vận chuyển cao, trong đó có các sản phẩm từ lợn.
Là cơ sở nuôi lợn lớn nhất huyện Thuận Châu, Công ty TNHH Hoa Đính có cơ sở chăn nuôi đặt tại bản Cọ A, xã Tông Cọ, hiện Công ty đang duy trì đàn lợn thương phẩm trên 500 con và gần 100 con lợn lái. Ông Hà Văn Đính, Giám đốc công ty, cho biết: Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ nhiều ngày nay, Công ty đã chủ động phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột ở nhiều tuyến đường dẫn vào khu trang trại chăn nuôi. Hằng ngày cán bộ của công ty theo dõi sát sao thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên các phương tiện thông tin đại chúng và giám sát chặt chẽ đàn lợn, nếu trường hợp phát hiện dịch bệnh sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu, cho biết: Tổng đàn lợn của huyện Thuận Châu hiện có trên 87.000 con, công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường việc giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh tiêu trùng, khử độc tại khu vực chợ, nơi giết mổ lợn. Trong tình huống xuất hiện bệnh dịch, huyện sẽ tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát như ở địa phương có dịch.
Cùng với sự vào cuộc của các phòng, ban chuyên môn của huyện, công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi được đẩy mạnh, bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, cách nhận biết, các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân được biết và chủ động thực hiện. Đặc biệt, trước nguy cơ dịch bệnh, người dân cần chủ động việc phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển lợn nhập lậu vào địa bàn, không mua bán các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh. Trên địa bàn huyện còn rất nhiều xã vùng cao, vùng khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận thông tin về dịch bệnh chưa nhiều... Để hạn chế thấp nhất việc dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, cấp ủy, chính quyền các xã và đội ngũ cán bộ thú y cơ sở cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, kịp thời báo cáo, kiên quyết không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!