Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích trên 15.800 ha thuộc địa bàn xã Nặm Păm, Ngọc Chiến và Hua Trai của huyện Mường La, trong đó diện tích có rừng trên 13.100 ha. Toàn bộ Khu bảo tồn nằm trong quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, khai thác lâm sản và săn bắn động vật hoang dã, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen động, thực vật quý hiếm.
Lực lượng kiểm lâm Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần tra bảo vệ rừng.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, cho biết: Ngoài một số gỗ quý, như gù hương, pơ mu, thông đỏ, trong Khu bảo tồn có loài vượn đen tuyền là loài động vật nằm trong sách đỏ hiện chỉ còn ở Việt Nam, Trung Quốc và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Từ đầu năm đến nay, cùng với thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các xã, ban quản lý các bản thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về quản lý, bảo vệ, PCCCR. Tính riêng trong quý I, Ban quản lý Khu bảo tồn đã tổ chức 10 cuộc họp cấp bản để quán triệt, tuyên truyền về Luật lâm nghiệp, Luật đa dạng sinh học và những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng với gần 800 lượt người tham gia. Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với 658 hộ gia đình thuộc 10 bản, của xã Nặm Păm và Hua Trai; củng cố, duy trì hoạt động 14 đội quản lý, bảo vệ và PCCCR tại 14 bản của 3 xã trong Khu bảo tồn. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm mùa khô hanh, Ban quản lý Khu bảo tồn đã phân công cán bộ trực PCCCR 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi diễn biến trên hệ thống báo cháy qua vệ tinh của Cục Kiểm lâm; chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với ban quản lý các bản tập trung hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định về sản xuất nương rẫy, không xâm phạm mốc giới Khu bảo tồn. Phối hợp với tổ tuần tra rừng của Tổ chức bảo tồn động vật và thực vật quốc tế (FFI) tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xâm hại rừng, các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã trái pháp luật. Triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển lâm nghiệp, rà soát toàn bộ diện tích rừng bảo đảm đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoán khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng, hỗ trợ các bản vùng đệm theo chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, Ban quản lý Khu bảo tồn đã hoàn thành hồ sơ ký hợp đồng khoanh nuôi tái sinh 500 ha rừng tự nhiên năm 2020 với 9 bản thuộc vùng đệm Khu bảo tồn; hướng dẫn các bản bổ sung hương ước, quy ước về công tác PCCCR mùa khô hanh, cấm chăn thả gia súc trong khu vực rừng được khoanh nuôi bảo vệ. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị thi công trồng rừng tổ chức kiểm tra công tác PCCCR, tổ chức phát dọn thực bì, chăm sóc 90 ha rừng trồng thay thế Dự án thủy điện Nậm Chiến và 150 ha rừng trồng theo Dự án tăng trưởng xanh trên địa bàn xã Ngọc Chiến và Hua Trai, bảo đảm rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy nhiên, với sự đa dạng sinh học, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm trong Khu bảo tồn đang gặp nhiều khó khăn trước nguy cơ bị xâm lấn, tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng làm nương, trồng dược liệu... Theo lãnh đạo ban quản lý Khu bảo tồn, cùng với tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra trên diện tích được giao quản lý, kịp thời phát hiện, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị cũng đang tích cực tham mưu cho chính quyền các xã trong Khu bảo tồn và các địa phương giáp ranh triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vùng đệm, hướng dẫn sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng mục đích đối với các bản nhận khoán bảo vệ rừng. Tiếp tục theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, quản lý đầu tư và hướng dẫn triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực có thu nhập ổn định từ nghề rừng, tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!