Tăng cường phòng, chống sâu keo mùa thu

Đã gần tháng nay, bà Tòng Thị Thông, bản Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm (Thành phố) như ngồi trên đống lửa, bởi nương ngô của gia đình bà bị sâu lạ tấn công. Mặc dù bà Thông và bà con ở bản đã đồng loạt phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tới 2 lần theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, nhưng những con sâu lạ vẫn không chết.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố kiểm tra sâu keo mùa thu hại ngô ở bản Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm (Thành phố).

Dẫn chúng tôi đến khu đất nương rộng hơn 5.000 m2 với hầu hết những cây ngô có lá thủng nham nhở bởi vết sâu ăn, bà Thông nhanh tay chọn những cây ngô bị sun ngọn rồi bóc vỏ, để lộ ra những con sâu keo to bằng đầu đũa đang nằm trong nõn ngô. Bà Thông nói: Hiện nay, bà con trong bản rất lo lắng và mong cơ quan chức năng sớm hướng dẫn biện pháp tiêu diệt sâu lạ để bảo vệ nương ngô khỏi mất mùa.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, giống sâu lạ được xác đinh là sâu keo mùa thu, đây là đối tượng sinh vật hại mới gây hại cây trồng tại Việt Nam. Loài này có khả năng di trú xa, phát tán mạnh, khả năng sinh sản cao, phàm ăn, kháng thuốc BVTV nhanh nên rất khó khăn trong phòng ngừa và kiểm soát. Chúng gây hại trên 300 loại cây trồng khác nhau, nhưng thức ăn ưa thích nhất là ngô ngọt, ngô nếp. Sâu trưởng thành có chiều dài 30-40 mm, trên trán có hình chữ Y ngược màu vàng, mặt lưng màu đen. Nhộng sâu keo mùa thu có màu cánh dán sáng bóng...

Sâu keo mùa thu non, nhộng, trứng, thậm chí là sâu trưởng thành di chuyền theo sản phẩm, phế phụ phẩm (ngô, cỏ thức ăn chăn nuôi...) thông qua việc vận chuyển qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước. Sau khi hóa nhộng, lột xác thành bướm, bướm sâu keo tự bay tìm nơi đẻ trứng và có thể bay theo gió xa hàng trăm kilomet. 

Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sâu keo mùa thu có 6 giai đoạn phát triển. Từ tuổi 1 đến tuổi 3, sâu non di chuyển bằng cách nhả tơ để nhờ gió phát tán đến các cây khác gần đó gây hại trên lá non. Từ tuổi 3 đến tuổi 6, sâu keo mùa thu đục thân cây và chui vào phần ngọn để sinh sống và ăn búp non của cây. Do vậy, việc phun thuốc BVTV chỉ diệt được sâu ở giai đoạn từ 1-3 tuổi; còn đối với sâu ở giai đoạn từ 3-6 tuổi thì thuốc BVTV không có tác dụng do sâu sống trong thân cây.

Ở tỉnh ta, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên cây ngô hè, thu giai đoạn mới trồng đến xoáy nõn tại 10 huyện, thành phố. Mật độ sâu phổ biến 1,5 con/m2, cao 20 con/m2, cá biệt có nơi 40 con/m2, tỷ lệ hại phổ biến 2% cây, cao 30% cây, cục bộ 70-90% cây. Tính đến ngày 23/5/2019, toàn tỉnh có 3.111 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu, tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mai Sơn, Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp và Thành phố. Dự báo thời gian tới sâu keo mùa thu lây lan nhanh, khả năng gây hại diện rộng trên ngô hè thu chính vụ, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ bùng phát thành dịch, ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng ngô. Để chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các loa truyền thanh của tổ, bản, tiểu khu về đặc điểm nhận biết, biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu tới người dân. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên địa bàn. Tổ chức phòng trừ sâu keo mùa thu theo hướng dẫn của Cục BVTV, không để sâu keo bùng phát, lan rộng thành dịch.

Các biện pháp phòng, trừ sâu keo mùa thu

Bà con làm sạch cỏ dại xung quanh nơi trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Thường xuyên kiểm tra nương ngô, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng và ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non. Hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu. Sử dụng vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Bà con có thể sử dụng bẫy bả, bẫy đèn để diệt bướm trưởng thành. Đối với việc sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV, bà con chỉ nên sử dụng khi sâu ở tuổi 1-3 (giai đoạn ngô 3-6 lá) và phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới