Tăng cường các biện pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên ở bản Huổi Ái, xã Mường É (Thuận Châu) - địa phương giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nơi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện từ vài ngày trước. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp hơn, bệnh lan truyền như vết dầu loang ra 7 bản, 5 xã thuộc 2 huyện: Thuận Châu và Quỳnh Nhai.

Chốt kiểm dịch động vật ở bản Mòn, xã Thôm Mòn (Thuận Châu).

Trong đó, huyện Thuận Châu xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 6 bản: Huổi Ái (Mường É); Nà La (Mường Bám); Lốm Bè và Quỳnh Châu (Phổng Lái); Mòn và Mé (Thôm Mòn); tổng số lợn chết và tiêu hủy 434 con. Huyện Quỳnh Nhai xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 1 bản: Pom Bẹ (Mường Giàng); tổng số lợn chết và tiêu hủy hơn 266 con.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó có Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để triển khai các biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Hội nghị, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã nhấn mạnh: Bệnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Yêu cầu các sở, ngành và các huyện, thành phố huy động tối đa các lực lượng, trang thiết bị triển khai các biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi...

Ngay sau đó, Đoàn cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã xuống địa bàn xã Thôm Mòn (Thuận Châu), nơi mới xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi để kiểm tra công tác phòng, chống dịch và khoanh vùng tiêu hủy đàn lợn có nguy cơ mắc bệnh. Xã đã thành lập 3 chốt kiểm dịch ở các bản có bệnh dịch tả lợn châu Phi và cử cán bộ trực 24/24 giờ. Dẫn chúng tôi đi kiểm tra những hộ có lợn bị chết, anh Lò Văn Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn cho biết: Trên địa bàn xã đã xác định 3 hộ ở 3 bản: Mòn, Hua Cọ và Mé có 2 con lợn nái và 1 con lợn đực phối giống bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, các gia đình có lợn chết đã tự đào hố tiêu hủy và chôn lợn dưới sự giám sát của trưởng bản và người dân.

Theo khảo sát của chúng tôi, cả 3 bản: Mòn, Hua Cọ và Mé đều nằm sát nhau trong một thung lũng với hơn 140 hộ nuôi khoảng 500 con lợn. Hầu hết các gia đình đều nuôi nhốt lợn trong chuồng, vì vậy việc xác định nguyên nhân lây bệnh ở đàn lợn rất khó khăn. Trong khi đoàn cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang kiểm tra địa bàn thì cán bộ xã thông báo phát hiện xác 1 con lợn nái nặng khoảng gần 1 tạ trôi ở suối Muội (dòng suối chảy qua xã). Xã đã cử cán bộ buộc tạm xác lợn để chờ đào hố tiêu hủy.

Ông Lừ Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi va Thú y tỉnh nói: Việc người dân vứt lợn bị chết ra suối đồng nghĩa với việc họ ném gần chục triệu đồng đi, vì nếu họ khai báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ đối với lợn thịt bằng 80% giá thị trường; còn lợn con, lợn nái đang chửa hoặc lợn đực chuyên phối giống sẽ được hỗ trợ tương đương gấp 1,5 lần giá thị trường.

Trước đó, ngày 13/3 tại gia đình ông Ngần Văn Thuộc, bản Pom Bẹ, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai đã phát hiện có lợn ốm chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nguyên nhân ban đầu cũng được xác định do người dân mua lợn bệnh từ khu vực vùng dịch tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên về giết mổ. Như vậy có thể thấy, việc ném xác lợn chết ra môi trường và việc mua bán, giết mổ lợn ốm vẫn còn xảy ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả lợn châu Phi lây lan, do người dân chưa nhận thức rõ chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ tiêu hủy lợn và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, tập quán nuôi lợn thả giông ở một số bản vùng cao vẫn còn dẫn đến khó kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Để khống chế bệnh DTLCP, hiện nay cùng với việc tiêu hủy và vệ sinh tiêu độc khử trùng các vùng có bệnh dịch, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương ở tỉnh ta tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nắm bắt thông tin kịp thời phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh và lợn chết để lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước về việc tiêu hủy lợn mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó tự giác thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng hoặc cán bộ thú y cơ sở biết để xử lý, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới