Thực hiện lộ trình triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến hết năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sơn La là 1 trong 15 tỉnh (gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020 thuộc giai đoạn IV của Đề án.
Hội nghị tập huấn triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Theo Đề án, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình. Cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của nhân dân, nhất là ở các xã vùng xâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, mục đích tuyên truyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì tham mưu triển khai thực hiện theo đúng lộ trình Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến hết năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã rà soát, xác định cụ thể vùng được hỗ trợ, lên danh sách các hộ gia đình chính sách trên địa bàn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành hỗ trợ bà con chuyển đổi công nghệ đầu thu. Theo đó, tỉnh Sơn La hiện có 9 xã, phường, thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và 149/204 xã, thị trấn thuộc vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, việc triển khai Đề án phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời, phù hợp với lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án bằng nhiều hình thức truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp. Đảm bảo các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số theo quy định. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố với Đài PT-TH tỉnh trong việc triển khai thực hiện chuyển đổi công nghệ số truyền hình.
Việc số hóa truyền hình mặt đất là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, nhất là những vùng lõm, vùng có điều kiện thu sóng còn nhiều khó khăn, mang lại cơ hội xem truyền hình cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn. Việc chuyển đổi công nghệ truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích chung cho xã hội với số lượng kênh chương trình truyền hình nhiều hơn, âm thanh và hình ảnh sắc nét, trung thực, có nhiều khả năng cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình khác nhau, trên nhiều loại thiết bị như tivi, máy tính, điện thoại di động… phục vụ việc thu xem của người dân mọi lúc mọi nơi, bảo đảm tiết kiệm năng lượng, nguồn tài nguyên tần số quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Trung cho biết thêm: Trong thời gian tới, để kịp thời chuyển đổi số hóa mặt đất truyền hình, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số miễn phí trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các buổi hội nghị, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa của Đề án. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc lưu thông các thiết bị thu truyền hình số trên địa bàn, đảm bảo các doanh nghiệp cung cấp đầu thu thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy trên các máy thu hình và đầu thu truyền hình số.
Việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất ở địa phương là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân và xã hội. Tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của các cấp, các ngành, lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình ngày càng cao của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!