Phù Yên xuất hiện bệnh dịch ở người dân vùng lũ

Trận mưa lũ vừa qua ở huyện Phù Yên đã làm môi trường sống của người dân trên địa bàn bị ô nhiễm. Đây là điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật có hại sức khỏe phát tán và xâm nhập các nguồn nước sinh hoạt của người dân.

 

Cán bộ Trạm y tế Tường Thượng  phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường tại bản Đồng La 2.

 

Trong đó, đã và đang gây ra bệnh tiêu chảy ở một số bản của xã Tường Thượng và Tường Tiến. Trước tình hình trên, Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền nhân dân sử dụng nước đảm bảo vệ sinh, triển khai các biện pháp hạn chế số người bị mắc bệnh tiêu chảy…

Chúng tôi tới thăm gia đình bà Hà Thị Vẽ, bản Đồng La 2, xã Tường Thượng, là một trong những bản có nhiều người bị bệnh tiêu chảy ngay sau đợt mưa lũ vừa qua. Tại gia đình bà Vẽ, hình ảnh ghi nhận được là nguồn nước sinh hoạt của gia đình được lấy từ giếng nước đào ngay cạnh ao tù rộng khoảng 200 m2, ngay bờ ao là chuồng lợn đang nuôi 4 con khoảng 70kg/con. Bà Vẽ kể: Khi trận lũ xảy ra, giếng nước sâu 5 mét của nhà bị ngập hoàn toàn, nhưng gia đình vẫn phải lấy nước ở đó để sinh hoạt, vì đây là nguồn nước duy nhất. Ngay sau đấy, tôi bị đau quặn bụng, đi ngoài 4 đến 5 lần/ngày, tôi điều trị ở nhà đến ngày thứ 3 thì phải tới Trạm y tế xã và được các y tá, bác sỹ cấp thuốc điều trị 2 ngày thì đỡ. Ngay cả ông Đinh Văn Hương, chồng bà Vẽ khỏe mạnh là thế nhưng từ hôm xảy ra mưa lũ, do sử dụng nước ở giếng bị nhiễm bẩn cũng bị đau bụng. Bản Đồng La 2 có 90 hộ, 423 nhân khẩu, 100% hộ dân đều dùng nước giếng tự đào để sinh hoạt. Do địa hình có độ dốc lớn, nên các giếng nước ở đây đều phải đào ở chỗ trũng, thấp ngay cạnh ruộng lúa hoặc cạnh ao mới có nước sử dụng và khi có mưa to là giếng lại bị ngập. Cùng với đó, người dân vẫn có thói quen làm chuồng gia súc ngay gần nguồn nước, dẫn đến nguy cơ nước bị ô nhiễm cao. Ông Đinh Văn Ban, Trưởng bản Đồng La 2 cho biết: Bản đã tổ chức họp phổ biến cho bà con không làm chuồng gia súc cạnh nguồn nước, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ dân chưa thực hiện. Trong bản hiện vẫn còn hơn 80% hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, đây cũng là nguy cơ lớn dẫn đến bệnh tiêu chảy.

Xác định nguyên nhân ban đầu có thể do nguồn nước sinh hoạt, các giếng nước bị ngập chưa được thau rửa và khử khuẩn nên bị nhiễm khuẩn sau mưa lũ. Ông Đinh Xuân Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tường Thượng, cho biết: Sau khi xuất hiện bệnh tiêu chảy ở bản Đồng La 2, chúng tôi đến hiện trường xem nguyên nhân bệnh tiêu chảy và lấy mẫu nước sinh hoạt của các gia đình có người mắc bệnh gửi lên tỉnh xét nghiệm nhưng chưa có kết quả. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước bằng viên CloraminB, đến nay bệnh tiêu chảy trên địa bàn đã cơ bản được khống chế, không còn trường hợp mắc mới.

Ngoài 20 trường hợp bị tiêu chảy ở xã Tường Thượng, ở bản Thín 2 xã Tường Tiến cũng có 7 trường hợp bị mắc bệnh tiêu chảy, nguyên nhân ban đầu cũng được xác định do bà con thiếu nước sinh hoạt, phải dùng nước suối bị nhiễm khuẩn do xác động vật, thực vật bị chôn vùi dưới đất đang thời kỳ phân hủy. Ông Lường Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy xã Tường Tiến, nói: Nước sinh hoạt hằng ngày của bà con vùng lũ đang bị ô nhiễm, ở suối có nhiều gia súc, gia cầm bị chết vùi trong cát đang phân hủy, nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân.

Ngay sau khi xuất hiện bệnh tiêu chảy ở một số địa phương, Trung tâm y tế dự phòng huyện Phù Yên đã tăng cường kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh do mưa lũ gây ra; tăng cường truyền thông, khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân vùng lũ dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là các địa bàn trọng điểm đã có người mắc bệnh tiêu chảy. Ông Lường Văn Lịch, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Phù Yên, cho biết: Chúng tôi tiếp tục cử cán bộ cùng trạm y tế xã bám sát địa bàn, điều tra, xác minh nguyên nhân mắc bệnh tiêu chảy và tuyên truyền bà con ăn chín, uống sôi, khử khuẩn nguồn nước và môi trường, vận động bà con làm hố tiêu hợp vệ sinh, thu gom phân gia súc, tiếp tục theo dõi những nơi đã có người mắc bệnh và cấp thuốc cho nhân dân phòng, chống bệnh miễn phí, đến nay cơ bản các vùng có người mắc bệnh tiêu chảy đã được khống chế, hiện không có trường hợp mắc mới.

Trước thực trạng trên, rất cần các cơ quan chức năng và ngành y tế có biện pháp tuyên truyền, tiếp tục hỗ trợ phòng bệnh cho nhân dân, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Đồng thời, đầu tư công trình nước sinh hoạt đảm bảo cuộc sống lâu dài cho nhân dân.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới