Phù Yên tập trung phòng chống sâu keo mùa thu

Thời gian qua, trên địa bàn một số xã vùng Mường, vùng hồ sông Đà của huyện Phù Yên xuất hiện loại sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô. Đây là loại sâu mới xâm nhập, có khả năng gây hại nặng cho ngô và nhiều loại cây trồng khác. Huyện Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra mật độ, tỷ lệ hại, diện tích nhiễm sâu, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ.

Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch sâu keo mùa thu, diện tích ngô xuân hè tại xã Tân Lang đã sinh trưởng phát triển tốt.

Gia đình chị Ngần Thị Hoa, bản Văn Yên, xã Mường Thải trồng trên 4 ha, toàn bộ diện tích đã bị nhiễm sâu keo mùa thu; do đây là loại sâu đục lõi ngô và trú rất sâu nên phải phun trừ nhiều lần các loại thuốc bảo vệ thực vật mới có hiệu quả. Chị Hoa thông tin: Dấu hiệu ban đầu là lá bị đốm trắng, sau 3 ngày xuất hiện sâu con trên đốm trắng ăn bìa lá, ngọn và chui vào thân cây, khiến cây ngô bị chết, thời gian diễn ra trong 1 tuần. Mặc dù nhiều năm làm nông nghiệp, nhưng lần đầu tiên, tôi chứng kiến một loại sâu có sự tàn phá nhanh như vậy, hiện tại, do tích cực phun phòng trừ nên tình trạng sâu đã giảm. Gia đình đầu tư trồng 70 kg ngô giống, ước tính chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, thuốc trừ sâu trên 40 triệu đồng, do nhiễm sâu bệnh nên vụ thu hoạch năm nay chắc chắn năng suất, sản lượng sẽ giảm rất nhiều.

Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Phù Yên có 424 ha ngô tại các xã: Tân Lang, Mường Cơi, Mường Do, Kim Bon, Nam Phong, Mường Thải, Bắc Phong, Quang Huy, Sập Xa, Suối Tọ và Mường Bang bị sâu keo ăn lá, đục nõn, tập trung chủ yếu trên các giống ngô: VK 6101, VK 8868, VK 9955, VK 6818, LVN 99 và CP 111. Ông Lương Văn Tư, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã lấy mẫu gửi Viện Khoa học Nông nghiệp và Viện Bảo vệ thực vật và đã có kết quả xác định đây là sâu keo mùa thu lây từ giống ngô có nguồn gốc nhập từ các nước Trung Quốc, Thái Lan và Lào, bởi trong hạt giống đã có trứng sâu, nên sau khi trồng đại trà đúng vào thời điểm nhiệt độ, độ ẩm ngoại cảnh thích hợp khiến dịch sâu bùng phát. Trung tâm đã hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu, như: Đối với những diện tích bị hại ít, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp bắt sâu thủ công, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-9 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; đối với diện tích nhiễm sâu hại trên diện rộng, sử dụng một số thuốc lưu dẫn, thuốc xông hơi phối hợp để phun trừ khống chế sâu bệnh.Đến thời điểm hiện tại, nhờ tích cực phòng chống theo nguyên tắc “4 đúng”, trên 95% diện tích nhiễm sâu keo trên diện tích ngô xuân hè tại các xã vùng Mường đã cơ bản kiểm soát được khả năng lây lan, xâm nhiễm và hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đối với năng suất, sản lượng và chất lượng. Đối với diện tích ngô hè thu giai đoạn 3-7 lá, bị nhiễm sâu keo mùa thu tại các xã vùng hồ sông Đà cũng đã giảm đáng kể.

Tại xã Tân Lang, nơi có diện tích ngô bị nhiễm sâu bệnh nhiều nhất, với 102/136 ha. Dịch sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 3, hiện 70% diện tích bị nhiễm nặng ở giai đoạn 3-9 lá. Ngay từ khi xuất hiện dịch sâu keo, xã đã tập trung hướng dẫn bà con khẩn trương phun thuốc phòng trừ kịp thời, nên những diện tích nhiễm sâu bệnh, ngô đã sinh trưởng trở lại và phát triển tốt.

Hiện nay, tại Phù Yên, mặc dù đã cơ bản kiểm soát được mức độ lây lan và gây hại của sâu keo mùa thu, nhưng do đặc tính của đối tượng sâu hại có khả năng xâm nhiễm khó lường, lại gối vụ liên tục, các vụ tiếp theo cũng có khả năng bị nhiễm mạnh. Huyện Phù Yên tiếp tục chỉ đạo tiếp tục kiểm soát diễn biến của sâu keo mùa thu, đôn đốc cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn bà con làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu còn non, hạn chế dịch hại bùng phát trở lại.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới