1. Đặc điểm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta, do vi rút gây ra, gây chết ở lợn với tỷ lệ chết cao; lợn nái thường mắc bệnh trước, sau đó đến các loại lợn khác trong đàn; lợn mang thai gây chết thai nhanh. Đối tượng mắc bệnh: lợn nhà, lợn rừng ở mọi lứa tuổi.
Không có thuốc điều trị; Không có vắc xin để phòng bệnh. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại kinh tế rất lớn (do phải tiêu hủy hết lợn mắc bệnh). Lợn nhiễm bệnh thường mang trùng và bài thải vi rút thời gian dài.
Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không gây bệnh cho người.
2. Đặc điểm của vi rút Dịch tả lợn châu Phi
Vi rút Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, dăm bông: từ thịt, xương dính thịt 105 ngày, thịt hun khói 30 ngày, thịt đông đá 1.000 ngày; da, mỡ làm khô 300 ngày.
Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài từ 3 – 6 tháng; Vi rút sống trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4ºC trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39 ºC trong 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50ºC tồn tại trong 3 giờ.
Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56ºC trong 70 phút hoặc 60ºC trong 20 phút.
Hóa chất khử trùng (ether, chloroform, iodine,…) diệt được vi rút trong môi trường nếu sử dụng đúng liều lượng và kỹ thuật.
3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh
Lợn nhiễm bệnh có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh; nhiều triệu chứng giống triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển, do đó với lợn nghi mắc bệnh cần khai báo để cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm.
Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường,lợn bị chảy máu hậu môn; một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím.
4. Một số bệnh tích chủ yếu
Xuất huyết nhiều ở các hạch ở dạ dày, gan và thận. Thận có thể xuất huyết điểm, lá lách có nhồi huyết, sưng to, màu đen. Da màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong;
5. Đường truyền lây bệnh
Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, thông qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với các vât trung gian mang vi rút (phương tiện vận chuyển, dụng cụ, quần áo, đồ dùng, thức ăn thừa) và qua bị ve mềm cắn.
6. Các giải pháp phòng bệnh ở địa phương chưa có dịch
Tăng cường thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt và thực hiện tiêm phòng vắc xin các bệnh cho lơn theo hướng dẫn của cơ quan chăn nuôi; Hiện nay cần chú trọng thực hiện một số biện pháp sau:
- Khu vực chăn nuôi: Rắc vôi bột các lối đi bên trong, bên ngoài trại, đặc biệt ở cổng trại, lối ra vào các khu trại, lối xuất, nhập lợn; phun sát trùng với tần xuất ít nhất1 lần/1 tuần. Định kỳ thực hiện phun thuốc diệt côn trùng, vật chủ trung gian có thể lây lan bệnh.
- Nhân viên và khách tham quan: Hạn chế tối đa khách thăm quan, phương tiện ra vào trại, khu chăn nuôi nhất là thương lái và phương tiện vận chuyển thu gom lợn, chỉ có nhân viên, người có trách nhiệm được vào trại, khu chăn nuôi nhưng phải tuân thủ tuyệt đối quy định cách ly, tiêu độc sát trùng.
- Phương tiện vận chuyển: Phải được tiêu độc sát trùng thật kỹ, đúng kỹ thuật, được kiểm soát chặt chễ.
- Thức ăn, con giống, thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, thực phẩm cho nhân viên trong trại: Chỉ sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không cho lợn ăn thức ăn thừa không rõ nguồn gốc; hạn chế tái đàn khi có dịch trong vùng; chỉ nhập lợn từ nguồn cung cấp uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ, có kiểm dịch, tuân thủ nghiêm quy định nuôi cách ly, theo dõi sức khỏe trước khi nhập vào trại; các thiết bị, dụng cụ phải định kì tiêu độc sát trùng; thực phẩm cho nhân viên trong trại nhất là nguồn thịt lợn phải có nguồn gốc rõ ràng và đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thực phẩm trước khi cho vào trại.
- Sức khỏe đàn lợn: Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho lợn đầy đủ dinh dưỡng; thường xuyên theo dõi, phát hiện, để có biện pháp can thiệp kịp thời, với các lợn có biểu hiện nghi mắc bệnh cần chấp hành quy định khai báo dịch theo quy định.
7. Khi có dịch thực hiện các biện pháp chống dịch
- Các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm có các biểu hiện nghi mắc bệnh phải báo ngay cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương hoặc thực hiện báo cáo dịch qua đường dây nóng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (ĐT: 0212.3800115) và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố.
- Tại hộ có lợn mắc bệnh cần thực hiện đúng các hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan thú y để khoanh vùng, xử lý triệt để dịch bệnh, trong đó cần ngay một số biện pháp:
+ Chấp hành 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi.
+ Chấp hành quy định tiêu hủy lợn bệnh ở ổ dịch; vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh.
+ Tuân thủ và thực hiện kịp thời các biện pháp chống dịch theo quy định của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!