Khả năng năm 2019 mới giải quyết được khoảng 20/53 tỉnh có hộ nghèo là hộ người có công trong tổng số hơn 16.000 hộ. Đến năm 2020, nếu không có giải pháp tốt sẽ không đạt mục tiêu, đây là khó khăn, thách thức.
Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
50,01% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới
Thông tin về chương trình xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hết tháng 6/2019, cả nước có 4.458 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm 50,01% tổng số xã trên toàn quốc, hoàn thành trước yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ tới 18 tháng (hết năm 2020, cả nước có 50% tổng số xã, đạt chuẩn nông thôn mới). 82/664 đơn vị cấp huyện thuộc 36 tỉnh, thành phố đã được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 19 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp.
Nhiều địa phương đã tích cực, sáng tạo trong triển khai các mô hình sản xuất, huy động và bố trí nguồn lực đầu tư để thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển bền vững, sâu rộng hơn. Nông thôn mới đã có sự khởi sắc rõ rệt ở cả các tỉnh vùng khó khăn với việc có một số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hay hoàn thành như Trà Vinh, Phú Yên, Quảng Ngãi. Đặc biệt, ba tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và thành phố Đà Nẵng đã trở thành 4 địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 82,74%, Đông Nam Bộ đạt 70%, thì khu vực miền núi phía Bắc mới là 26,45%, Tây Nguyên 37,73%, Đồng bằng sông Cửu Long 42,77%, duyên hải Nam Trung Bộ 45,82%. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn chậm. Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch.
Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, trong năm nay, số hộ nghèo dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,5%, đạt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững vì ngoài tỷ lệ tái nghèo thì tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong năm 2018. Chệnh lệch giàu nghèo chưa chuyển biến, năm 2014 khoảng cách thu nhập giữa hộ giàu và nghèo là 9,7 lần nhưng năm 2018 đã tăng lên 10 lần. Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên, thiên nhiên khác nhau và phức tạp nên giải pháp thoát nghèo gắn với sinh kế bền vững chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận dịch vụ và thị trường của hộ nghèo chưa lớn. Ví dụ, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số rất cao nhưng tỷ lệ tiếp cận bảo hiểm y tế thì rất thấp.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trước đây, theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, người nghèo được hỗ trợ khám, chữa bệnh, phương tiện đi lại vận chuyển và có thể hỗ trợ ăn, ở cho thân nhân của người dân tộc thiểu số, nhưng khi chuyển sang thực hiện thống nhất theo Luật Bảo hiểm y tế, những chi phí này không được thanh toán, đây là yếu tố làm giảm tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế, do khoảng cách đi lại ở vùng miền núi khó khăn.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đang triển khai sáp nhập trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã sẽ được tăng cường cơ sở vật chất và tủ thuốc ở cấp xã tương đương tủ thuốc ở trung tâm y tế huyện, giúp người dân tiếp cận y tế dễ hơn, nhất là địa phương khó khăn.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chậm, mới được 23% kế hoạch năm 2019, và không đồng đều cho cả nước. Cụ thể, 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ chung của cả nước là Hưng Yên (80%), Bến Tre (47%), Vĩnh Long (63%), Nghệ An (45%), Tây Ninh (44%) và Lạng Sơn (45%). Nhưng có tới 47 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước, cá biệt có 5 địa phương chưa giải ngân được đồng vốn nào là Cà Mau, Khánh Hoà, Hoà Bình, Quảng Ninh và Đắk Nông và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Thái Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm là do thủ tục giao vốn chậm, năng lực Ban quản lý dự án ở địa phương yếu. Tuy nhiên, các công trình nông thôn mới nhỏ nên các địa phương đều khẳng định sẽ giải ngân xong vào cuối năm nay.
Làm rõ chuẩn nghèo đối với trẻ em
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, tình trạng chung của hai Chương trình là giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm, tỷ lệ giao vốn đạt thấp (cả hai chương trình mới đạt 88,76% kế hoạch vốn), vốn đầu tư còn lại chưa phân bổ của 17 địa phương cho các huyện nghèo mới bổ sung và các đề án đặc thù xây dựng nông thôn mới là hơn 2.021 tỷ đồng.
“Tiền có, nhu cầu rất cấp bách, nhưng vẫn chưa phân bổ được. Giải ngân rất chậm, đến 30/6 mới đạt 23%, trong đó 5 địa phương chưa giải ngân được đồng nào, 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%; chưa bố trí được nguồn để thưởng chương trình xây dựng nông thôn mới (hơn 638 tỷ đồng). Cá biệt, việc thực hiện quy định của Luật Đầu tư công trong Chương trình giảm nghèo bền vững còn có khuyết điểm, tồn tại”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng phê phán các địa phương giải ngân chậm trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia, gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn; đồng thời đề nghị các bộ, ngành và địa phương quyết liệt giải quyết những tồn tại này.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, 100 hộ thoát nghèo thì lại có 18 hộ phát sinh mới, đây là con số phải suy nghĩ. Tỷ lệ các xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là rất thấp, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019 – 2020 (mới có 44/292 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn). Chưa giảm được khoảng cách giàu nghèo. Mục tiêu đề ra là “nâng trên, đỡ dưới” chưa đạt được.
Mục tiêu giải quyết dứt điểm hộ nghèo là hộ người có công trong năm 2019 cũng là thách thức. Khả năng năm 2019 mới giải quyết được khoảng 20/53 tỉnh có hộ nghèo là hộ người có công trong tổng số hơn 16.000 hộ. Đến năm 2020, nếu không có giải pháp tốt sẽ không đạt mục tiêu, đây là khó khăn, thách thức. Quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm hộ nghèo là hộ người có công.
Nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung làm tốt Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Nam Định, gắn với tổng kết Nghị quyết của, Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp công ty nông lâm nghiệp, đề xuất tới Chính phủ, Trung ương các phương hướng triển khai trong giai đoạn tới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộinhanh chóng sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đánh giá thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, làm cơ sở thực hiện trong 5 năm tới, đặc biệt là làm rõ chuẩn nghèo đối với trẻ em;sớm trình Ban Chỉ đạo kế hoạch tổ chức Ngày Quốc tế chống đói nghèo, Ngày Vì người nghèo Việt Nam năm 2019 cũng như các chương trình an sinh xã hội khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới hai Chương trình này. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương sớm tổng hợp thông tin để báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo nhu cầu, kế hoạch, kinh phí triển khai hai Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch tài chính, ngân sách và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ thể chế, pháp lý về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo. Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2019 hỗ trợ cho hai Chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc không làm tăng phần cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách nhà nước, mà cơ bản trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội, quay vòng vốn./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!