Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, riêng về lĩnh vực giáo dục, huyện Sốp Cộp đã giảm 12 đơn vị trường học, 22 tổ chuyên môn, 40 biên chế. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, đang bộc lộ những bất cập trong công tác y tế học đường, khiến các trường học gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Một giờ học của cô và trò điểm Trường Mầm non Huổi Luông, xã Mường Lèo (Sốp Cộp).
Trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp có 984 biên chế, sau khi sáp nhập các đơn vị trường học, ngành còn 944 biên chế ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS; 40 người giảm là do nghỉ hưu, thôi việc và chuyển nhân viên y tế về trạm y tế xã, không phải giảm do tinh giản hoặc dôi dư sau sáp nhập (bởi trước khi sáp nhập, số lượng giáo viên và nhân viên hành chính chưa bố trí đủ theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trước đây, toàn ngành có 17 nhân viên y tế (mầm non 3, tiểu học 5, THCS 9) ở 17 trường học, có nhiệm vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe học sinh hằng ngày và theo định kỳ, đảm bảo cho các nhà trường trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh. Sau khi sáp nhập, toàn huyện có 164 điểm trường, đa số các điểm trường đều xa trạm y tế xã, đặc biệt giao thông các điểm vùng cao đi lại khó khăn; trong khi đó, các nhân viên y tế học đường được điều chuyển xuống công tác tại trạm y tế xã, vì vậy, việc thiếu nhân viên y tế đã ảnh hưởng đến công tác sơ cứu, cấp cứu, chữa bệnh cho học sinh khi bị bệnh, do giáo viên, phụ huynh không có chuyên môn.
Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, được biết, Sốp Cộp hiện có 16.878 học sinh, trong đó có 2.364 học sinh bán trú. Với số lượng lớn học sinh bán trú như vậy, ngành đặc biệt chú ý tới công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho các em. Trước đây, mỗi trường học đều có 1 nhân viên y tế; họ được tập huấn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm và đảm nhiệm công tác này tại các trường học. Bây giờ không còn y tế học đường, các trường học rất lúng túng, khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh, nếu có sự cố xảy ra thì sẽ khó đảm bảo công tác sơ cứu, cấp cứu kịp thời... Bên cạnh việc được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ, việc dự phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường học đường và xã hội cũng là mối quan tâm của toàn ngành. Chúng tôi mong muốn có nhân viên y tế trực tại trường các ngày trong tuần để đảm bảo sơ cứu, cấp cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Chúng tôi đến thực tế tại Trường PTDTBT TH và THCS Nà Khoang, xã Mường Và (Sốp Cộp). Được biết, ở đây đang gặp khá nhiều bất cập, bởi các hồ sơ, thủ tục liên quan đến thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh bây giờ không còn ai đảm nhiệm; rồi đến các loại thuốc tối thiểu phải có ở các trường cũng không có người quản lý, nếu có học sinh ốm đau, thực sự rất bất ổn vì không có nhân viên y tế tại chỗ. Thầy giáo Trần Văn Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trước đây, có nhân viên y tế ở trường, họ trực tiếp thực hiện các công việc như bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm. Nhà trường hiện có trên 1.000 học sinh, trong đó 300 học sinh sinh hoạt bán trú; không có nhân viên y tế, việc chăm lo sức khỏe và các hoạt động khác liên quan đến ăn ở, sinh hoạt của các cháu trở thành mối lo cho cán bộ, giáo viên nhà trường. Từ đầu năm học đến nay, có 4 cháu bị ốm, trong đó có 1 cháu bị ngã phải phẫu thuật, mặc dù thiếu giáo viên nhưng vẫn phải cử người đưa các cháu đến Trạm Y tế xã Mường Và cách trường cả chục cây số, vừa cử người liên lạc với gia đình cháu. Hơn nữa, khi đưa các cháu đến khám, bắt buộc phải có người bảo lãnh (trước đây, công việc này đều do nhân viên y tế đảm nhiệm), nếu phải nội trú ở trạm y tế vài ngày thì trường cũng phải cử giáo viên ở lại trông học sinh khi chưa liên lạc được với người nhà. Ở đây đặc thù là vùng cao, giao thông cách trở, nhiều vùng không có sóng điện thoại, nên việc liên lạc với gia đình khi có sự cố là rất khó. Nếu học sinh ở trường lỡ ốm đau, giáo viên không thể tự cho uống thuốc, nhất là các cháu bán trú. Nhà trường vẫn có tủ thuốc tồn lại từ khi còn nhân viên y tế hoạt động, nhưng khi học sinh ốm, chúng tôi cũng không dám cho học sinh uống thuốc, bởi không có chuyên môn và sai quy định...
Mặc dù chưa ghi nhận sự việc nghiêm trọng nào liên quan đến sức khỏe của học sinh ở Sốp Cộp, song thực tế cho thấy, việc bố trí nhân viên y tế tại các trường học, nhất là vùng có đông học sinh bán trú, vùng có cơ sở hạ tầng giao thông và y tế hạn chế là rất cần thiết. Có như vậy, các đơn vị trường học mới chủ động được công tác y tế học đường theo đúng quy định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT, ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế học đường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!