Ai cũng biết tầm quan trọng của rừng trong việc giảm lượng khí thải gây biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, những ngày qua, người dân tại nhiều tỉnh, thành đang phải chứng kiến nhiều khu rừng bị cháy, có những nơi nằm trong mức độ cảnh báo cấp V – cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước thực trạng trên, nếu chúng ta không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy kịp thời thì hậu quả rất khó lường.
Ảnh minh họa.
Nhiều khu rừng bị đe dọa
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong tuần qua (từ 8 - 11/3) đến nay, liên tục xảy ra cháy rừng tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Gia Lai, Bình Dương và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Trong các ngày 8 và 9/3, tại núi Cậu trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã xảy ra 3 đám cháy lớn gây thiệt hại hơn 4 ha rừng tự nhiên. Trong ngày 9/3, trên địa bàn các huyện Phù Yên, Bắc Yên, tỉnh Sơn La xảy ra cháy rừng và đã cháy lan sang rừng thuộc các xã Bản Mù, Làng Nhì, Tà Si Láng của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trải dài trên 3km. Vụ cháy rừng xảy ra tại xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La trải dài trong khoảng 10km. Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại khu rừng tràm đang cho thu hoạch nằm ở xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai... Một đám cháy đã bùng phát tại khu vực bãi chăn thả gia súc thuộc địa bàn 2 bản Hua Rốm 1 và 2, giáp ranh hai xã Nà Tấu và Nà Nhạn (Điện Biên), sau đó đã cháy lan vào rừng. Đến thời điểm này vẫn chưa thống kê được hết thiệt hại.
Trước đó, chỉ tính riêng rừng đặc dụng Copia nằm ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đợt băng giá, mưa tuyết kéo dài đã khiến gần 4.000 ha rừng bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt cây bị gãy đổ, bật gốc, rụng lá.
Theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện có 12 tỉnh nằm trong mức độ cảnh báo cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm gồm Lâm Đồng, Tây Ninh, Khánh Hòa, Gia Lai, Đồng Nai, An Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kon Tum, Long An, Ninh Thuận. Các địa phương này nếu xảy ra cháy rừng thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa và lan rất nhanh. Bên cạnh đó, có 3 tỉnh nằm trong mức độ cảnh báo cấp IV, cấp nguy hiểm gồm Bình Thuận, Đắk Nông, Bình Phước.
Theo nhận định từ các địa phương, tình trạng cháy rừng có nguyên nhân do đợt rét kỷ lục hồi cuối tháng 1/2016. Hiện tượng băng giá khiến thảm thực vật chết, cây bị chết đứng, cành và lá rụng xuống tạo nên vật liệu cháy dày và dễ bắt lửa. Hiện nay, mùa khô đang đến, thời tiết nóng, nắng hanh, độ ẩm hạ xuống rất thấp, nếu kèm thêm gió Lào và đốt nương rẫy của người dân thì nguy cơ cháy rừng là rất cao. Trong khi đó, hiện đang là mùa nương rẫy, nhiều người dân địa phương vẫn đốt nương, đốt bãi chăn thả, thậm chí có người còn đốt lửa bừa bãi trong rừng chỉ để dồn săn thú.
Như vậy có thể thấy, trong nhiều nguyên nhân khiến rừng đứng trước nguy cơ bị “hủy diệt”, thì BĐKH là một trong những nguyên nhân quan trọng. BĐKH khiến lượng mưa giảm và sự gia tăng nhiệt độ có thể gây ra hạn hán – làm tăng các vụ cháy rừng và làm giảm tài nguyên rừng.
Sự thay đổi khí hậu đang tăng, rừng của chúng ta đang phải đối diện với sự suy thoái lớn. Nếu không hành động ngay từ bây giờ, có thể hàng trăm triệu ha rừng sẽ bị phá hủy vào năm 2030.
Cần hành động kịp thời
Theo Báo cáo Triển vọng môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc, BĐKH đang gây ra tình trạng suy thoái môi trường trên phạm vi toàn cầu, hủy hoại nhiều cánh rừng. Điều này đòi hỏi thế giới phải hành động nhanh chóng hơn bao giờ hết. Đối với Việt Nam - một trong những nước được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH thì có lẽ vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng cần phải được quan tâm triệt để.
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, trước sự tác động của BĐKH toàn cầu, đa dạng sinh học đã và đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Hạn hán đang diễn ra khốc liệt trên diện rộng ở nhiều nơi, chúng ta hay nói là do BĐKH, nhưng cũng có nguyên nhân là do chúng ta giữ rừng chưa tốt. Bởi vậy, bằng mọi cách phải giữ lại những khu rừng chưa bị phá và tích cực trồng rừng thì mới có thể hạn chế được những hậu quả bất thường của thiên tai.
Trước hiện trạng nhiều khu rừng trên cả nước đang đối diện với nguy cơ cháy lớn, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng càng trở nên cấp thiết. Bởi vậy, nếu chính quyền địa phương không siết chặt công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân thì nguy cơ cháy rừng sẽ cao hơn.
Để phòng cháy, chữa cháy rừng, hiện nay, Cục Kiểm lâm đang sử dụng trạm thu ảnh viễn thám Modis để phát hiện sớm các điểm cháy trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trạm thu ảnh viễn thám Modis cung cấp 4 phiên ảnh trong một ngày, đưa ra thông báo trên trang web của Cục Kiểm lâm (kiemlam.org.vn) các điểm cháy đến cấp xã, huyện, tỉnh. Từ những điểm cháy thu được qua vệ tinh đó, các địa phương sẽ chủ động kiểm tra các đám cháy và nếu có cháy rừng thì phải có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Cục Kiểm lâm còn phát triển hệ thống cảnh báo cháy rừng. Hệ thống đưa ra các thông báo về cấp độ nguy hiểm có thể xảy ra cháy theo từng phân vùng rừng địa phương dưới dạng thông báo bằng phần chữ và phần hình, gắn với bản đồ hiện trạng rừng, qua đó cảnh báo cho địa phương nguy cơ cháy và chủ động xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Ngoài ra, Cục Kiểm lâm đã yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định; tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào tại các khu rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!