Nguy hiểm từ việc lọt, lộ thông tin cá nhân trên internet

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc kết nối, chia sẻ thông tin ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác và sơ hở của người sử dụng mạng internet nhằm đánh cắp các thông tin cá nhân để hoạt động phạm pháp.

Người dân sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR tại các địa điểm công cộng. (Ảnh MINH THÚY)

Từ tháng 10/2021, nhiều địa phương đã sử dụng thẻ Covid-19 như một trong những công cụ để kiểm soát dịch bệnh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Thẻ Covid-19 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng. Số lượng người sử dụng tải, cài đặt các ứng dụng (app) phòng, chống Covid như: Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone, NCovi, Covid-19, PC-Covid... để có thẻ Covid-19 với mã QR là rất lớn.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh trong tay và một vài thao tác đơn giản là người dùng có thể thỏa mãn việc chia sẻ niềm vui lên mạng xã hội là có được “thẻ xanh” (đã tiêm 2 mũi, 3 mũi...). Tuy nhiên, đằng sau việc chia sẻ này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân do có hình ảnh mã QR. Từ mã QR thẻ Covid-19, có thể dễ dàng biết được người đó là ai, số điện thoại, số thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân... Những thông tin cá nhân quan trọng như vậy nếu rơi vào tay đối tượng có ý đồ xấu rất khó lường hết những hậu quả.

Mới đây, bằng chiêu thức tuyển nhân viên quán cà-phê với lương cao, các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội đã lấy được số thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân và hình ảnh cá nhân của nhiều bạn trẻ là sinh viên tại Thừa Thiên Huế. Ngay sau khi lấy được thông tin cá nhân, chúng nhanh chóng yêu cầu các nạn nhân phải chuyển tiền vào số tài khoản mà chúng cung cấp, nếu không sẽ rao bán các thông tin cá nhân này hoặc dùng để vay nóng trên các diễn đàn.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, tính đến ngày 18/1/2022, sau gần một năm triển khai sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp, đến nay, Bộ Công an đã in và trả về cho Công an địa phương gần 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Bên cạnh các thông tin được in trên bề mặt trước, sau của thẻ căn cước công dân thì có mã QR ở mặt trước của thẻ với 7 trường thông tin cơ bản của công dân.

Thông tin lưu trữ trên mã QR và chíp điện tử giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển dữ liệu nhanh vào phần mềm, không cần nhập thủ công, cụ thể như: Thay thế sổ hộ khẩu, tạo sự thuận tiện cho người dân khi làm các thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu; thẻ căn cước công dân mới có chứa số chứng minh nhân dân cũ trong chíp, người dân không phải xin xác nhận hoặc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến số chứng minh nhân dân cũ; mã QR trên thẻ căn cước công dân mới cho phép người dân dùng điện thoại để quét lấy thông tin khi cần khai báo không phải nhập bằng tay.

Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng thông tin cá nhân không được bảo mật hoặc thông tin cá nhân được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã và đang tạo điều kiện thuận lợi giúp kẻ xấu có thể tìm kiếm, sử dụng để trục lợi và thực hiện các mục đích xấu khác.

Theo cơ quan công an, hiện tại có rất nhiều app công nghệ cho vay tiền trực tuyến (online), chỉ cần chụp hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng mà bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài. Nắm được sơ hở này, các đối tượng xấu thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm mục đích chiếm đoạt.

Cũng đã có nhiều người bị kẻ xấu sử dụng hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện các cuộc gọi quốc tế, cuộc gọi trong nước với thời lượng dài, và chỉ đến khi các nhà mạng yêu cầu thanh toán tiền thì chủ thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân mới biết. Một thủ đoạn nữa mà các đối tượng lợi dụng việc người dân đăng ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân lên mạng xã hội là sử dụng để đăng ký mã số thuế ảo cho nhân viên công ty nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Cũng có nhiều công ty chọn hình thức ra thông báo tuyển dụng nhân sự không giới hạn số lượng với mức lương cao để thu hút nhiều người nộp hồ sơ xin việc, nhưng cuối cùng thì họ đều thông báo không trúng tuyển, sau đó lấy ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân của người xin việc để đăng ký mã số thuế ảo...

Ðể nâng cao nhận thức cho người sử dụng internet, hạn chế những sơ hở mà kẻ xấu có thể lợi dụng, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo người dùng internet về phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội trên không gian mạng; khuyến cáo người dùng internet sử dụng mạng xã hội, website, các ứng dụng chính thống, có cơ chế bảo mật rõ ràng; hạn chế việc khai báo, đưa thông tin cá nhân khi tham gia các trang mạng xã hội để giảm thiểu nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin; không chia sẻ hay để công khai các thông tin nhạy cảm như địa chỉ email, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... trên không gian mạng. Khi phát hiện thông tin của mình hoặc người khác lộ, lọt và đang bị sử dụng vào hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật, cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Người dân không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin căn cước công dân/chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân và tuyệt đối không cho người khác mượn căn cước công dân/chứng minh nhân dân. Khi mất căn cước công dân/chứng minh nhân dân, công dân cần trình báo cơ quan chức năng để báo mất và làm lại giấy tờ.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới