Tuyên truyền phòng, chống ma túy tại Trường THPT Hải Đảo (tỉnh Quảng Ninh).
Gần đây, hàng loạt vụ việc như: bốn học sinh Trường THPT ở tỉnh Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút; “nữ quái” trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại tỉnh Lâm Đồng, hai học sinh THPT ở Ninh Bình mua ma túy trên mạng xã hội facebook về chia ra bán lại cho học sinh trong trường,... khiến dư luận không khỏi lo lắng về nguy cơ “một thế hệ ma túy mới” sẽ xâm nhập học đường.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến quý I/2022, cả nước có 205.818 người nghiện, 66.287 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý; trong số đó, người nghiện ma túy ngoài cộng đồng chiếm hơn 56%. Xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh; ước tính hiện có khoảng 40-50% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp. Đáng lo ngại hơn, người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên đang ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Nếu như trước kia các bệnh viện thường tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin, thì những năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn, thay vào đó là các ca ngộ độc những loại ma túy mới (ma túy tổng hợp) tăng nhanh. Không cần tiêm chích, ma túy thế hệ mới trá hình dưới dạng tem thấm, cỏ thơm… Thời gian qua, thị trường còn xuất hiện ma túy mới núp bóng thực phẩm dưới hình thức thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy và ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống.
Có thể thấy học sinh là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi hình thành và hoàn thiện nhân cách, tâm lý chưa ổn định, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bạn bè cùng lứa tuổi, chủ quan, dễ dao động, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, trải nghiệm những cái mới và thể hiện bản thân. Từ đó, học sinh trở thành đối tượng mà tội phạm ma túy muốn hướng đến. Không những thế, lợi dụng sự phát triển của internet, tội phạm sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube,… để quảng cáo, môi giới, buôn bán ma túy và tổ chức sử dụng ma túy.
Một nguyên nhân khác tác động tiêu cực đến quá trình ma túy xâm lấn học đường là sự buông lỏng quản lý của một số gia đình và nhà trường. Không ít bậc phụ huynh mải mê làm ăn mà quên đi việc nắm bắt tâm tư tình cảm, uốn nắn con cái trong quan hệ tiếp xúc bạn bè, cũng như định hướng về hành vi, lối sống. Thậm chí có gia đình do áp lực cuộc sống, mâu thuẫn hôn nhân, cha mẹ thường xuyên cãi vã, nóng giận, trừng phạt con cái nặng nề cũng khiến các em nảy sinh ý thức chống đối, chán nản và dễ sa vào ma túy.
Về phía nhà trường, thực tế cho thấy, tại một số cơ sở đào tạo, việc quản lý, tổ chức phòng, chống ma túy chưa được đầu tư chiều sâu, chưa thực sự phát huy vai trò chủ động của học sinh. Nhiều trường học chưa có cơ chế cảnh báo và giải pháp phòng, chống hiệu quả, giúp học sinh không sa vào tệ nạn ma túy...
Một nghịch lý đang tồn tại, đó là trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng giữ vai trò quan trọng trong giáo dục, thì có tình trạng một số gia đình, nhà trường lại đang đứng ngoài cuộc. Nhiều gia đình không biết con em mình đang xem, đang đọc những thông tin gì trong máy tính kết nối mạng hay điện thoại thông minh. Nhiều thầy, cô giáo cũng không biết học sinh của mình đang bàn luận, trao đổi về vấn đề gì trên mạng xã hội, nội dung hữu ích hay xấu độc. Chẳng hạn trên một nền tảng mạng xã hội đang được đông đảo giới trẻ tham gia hiện nay là TikTok, có thể thấy không ít hình ảnh của những đối tượng có tiền sử dính dáng tới ma túy nhưng vẫn được khá đông đảo người theo dõi. Thậm chí, nhiều “giang hồ mạng” cũng trở thành chủ nhân của những kênh YouTube, TikTok “triệu view”, được không ít bạn trẻ tung hô, cổ súy, thần tượng. Những video của “giang hồ mạng” này đa phần mang nội dung xấu, nhảm nhí, thậm chí là vi phạm đạo đức xã hội, cổ súy lệch chuẩn.
Việc thường xuyên truy cập vào các nội dung xấu độc trên mạng xã hội vô hình trung sẽ nguy cơ tác động không nhỏ đến tư duy của giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng và khiến nhận thức của các em bị méo mó, lệch lạc. Ngoài ra, công tác quản lý địa bàn dân cư ở một số địa phương chưa tốt, nên ở một số khu vực chung quanh trường học hoặc tại nơi học sinh cư trú còn nhiều tụ điểm cờ bạc, mại dâm, ma túy, tác động tiêu cực đến suy nghĩ và hành động của giới trẻ.
Có thể khẳng định, việc sử dụng ma túy đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của giới trẻ. Chính vì vậy, chung tay đẩy lùi ma túy học đường và giảm thiểu tác hại của ma túy không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Để góp phần ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập học đường cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố: nhà trường, gia đình và xã hội.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức và trách nhiệm của các thành viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy, ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập trường học, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực nhạy cảm, phức tạp. Để dự án phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan chức năng cần thường xuyên quan tâm, nắm bắt kịp thời sự chuyển biến phức tạp của ma túy thế hệ mới, từ đó đề ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Cụ thể, cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy đến từng khu phố, hộ gia đình và trực tiếp tại cộng đồng dân cư; đa dạng hóa hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, nền tảng di động... trong các hoạt động tuyên truyền. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tích cực nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung tài liệu, học liệu về tuyên truyền, giáo dục tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trong trường học để phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Mỗi trường học phải trở thành “lá chắn thép”, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cũng như sức đề kháng để tự bảo vệ bản thân trước tội phạm ma túy. Ngoài các biện pháp tuyên truyền ngăn chặn ma túy “từ sớm, từ xa”, nhà trường cũng cần khuyến khích các em chủ động phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.
Cũng cần thấy rằng, tình cảm gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách nói chung, và cũng là “tấm lưới” an toàn giúp bảo vệ người trẻ trước những tác động tiêu cực của đời sống, trong đó có tệ nạn ma túy. Chính vì vậy các gia đình cần phải sẵn sàng phối hợp với nhà trường, theo sát con em mình, nắm bắt kịp thời những biểu hiện bất thường để tìm hiểu, tháo gỡ. Các phụ huynh cần phải dành thời gian tìm hiểu, nhận thức, nhận diện đúng về ma túy cũng như thường xuyên theo dõi những hình thức ma túy “trá hình”, quan tâm, chia sẻ với con cái để giúp con tránh xa các mối nguy cơ.
Chỉ khi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, xã hội, gia đình và bản thân học sinh mới tạo nên một sức mạnh thống nhất, bền chặt giúp đẩy lùi nguy cơ tệ nạn ma túy xâm nhập vào môi trường học đường, góp phần bảo vệ và thúc đẩy thế hệ tương lai phát triển lành mạnh, hướng thiện và có ích.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!