Nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc là kỹ thuật khó và phức tạp. Nhưng với sự đam mê và sáng tạo, chị Dương Thị Huyền Trang (Mai Sơn) đã cùng gia đình thành lập Công ty TNHH MTV Quen Pearl, thực hiện nuôi, cấy trai đầu tiên ở tỉnh Sơn La, tự học hỏi kỹ thuật và áp dụng các công nghệ tiên tiến để bắt những con trai xù xì nhả ra những viên ngọc lấp lánh trong các hồ lớn trên địa bàn tỉnh.
Quy trình cấy mô và nhân vào các con trai.
Từ trục đường chính vào xã Mường Bon (Mai Sơn), đi trên theo con đường bê tông, chúng tôi tìm đến khu đập ngăn nước của hồ Tiền Phong để tìm hiểu việc nuôi cấy trai lấy ngọc. Trong căn phòng nhỏ của Trạm Khai thác công trình thủy lợi hồ bản Mòn, chị Huyền Trang vừa thực hiện các thao tác kỹ thuật cấy mô và nhân vào các con trai, vừa kể về quá trình đưa chị đến với công việc mới: Tôi tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, từng làm cán bộ nhà nước. Trong 1 lần đi du lịch ở tỉnh Bắc Ninh, đến thăm mô hình nuôi trai lấy ngọc, tôi nhận thấy Sơn La có tiềm năng và điều kiện phù hợp cho việc nuôi, cấy trai nước ngọt, nên quyết định tự học, kết hợp với đọc sách báo nước ngoài để thực hiện mô hình nuôi, cấy trai nước ngọt tại các hồ trong tỉnh
Những thông tin chị Trang trao đổi thật thú vị, dường như đó là “nhân duyên” để chị đến với nghề. Sau khi tìm hiểu kỹ, có kiến thức về nuôi trai nước ngọt, đầu năm 2017, chị Trang bắt đầu nuôi, cấy trai thử nghiệm tại 1 chiếc bể thuê của 1 cơ quan. Thời gian đầu, công việc gặp khó khăn, do chưa có nhiều kinh nghiệm, thời tiết không ủng hộ, nên trai bị chết nhiều. Quyết tâm và đam mê, chị Huyền Trang cùng gia đình thay đổi phương thức nuôi, điều chỉnh kỹ thuật và chọn lọc, thử nghiệm tìm môi trường phù hợp. Hai vợ chồng chị thực hiện thí điểm tại các hồ nước có độ sâu khác nhau. Quan sát con trai thích nghi tốt ở môi trường nào, độ sâu bao nhiêu sẽ tiến hành cấy trai số lượng lớn ở vị trí đó. Sau hơn 1 năm thực hiện, những viên ngọc trai đầu tiên đã được thu hoạch khiến hai vợ chồng càng thêm quyết tâm. Vay mượn gần 1 tỷ đồng, hai vợ chồng chị Trang thành lập Công ty TNHH MTV Quen Pearl, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi, cấy trai; lựa chọn hồ Tiền Phong làm nơi đặt nuôi các con trai được cấy mô để lấy ngọc. Theo chị Trang, các hồ nước ở Sơn La có nhiều đá vôi là chất canxi cacbonat nên rất phù hợp với việc nuôi trai lấy ngọc, đặc biệt các hồ thủy điện Sơn La, Thuận Châu, Phù Yên có nguồn nước sạch, thức ăn thủy sinh phong phú tại các lồng nuôi cá trên hồ nên trai sống khỏe, các loại ngọc thu được sáng bóng, đẹp mắt và chất lượng đồng đều.
Trong nghề nuôi trai lấy ngọc, kỹ thuật cấy ghép tế bào trai được đánh giá là công đoạn khó và tỷ mỷ nhất. Công ty TNHH MTV Quen Pearl đã áp dụng và thực hiện thành công phương pháp cấy ghép mô tế bào và nhân vào khu vực xoang màng áo ngoài trên đối tượng trai nước ngọt, loài trai xanh cánh mỏng (Cristaria bialata lea) và trai đen cánh dày (Hyriopsis cumigii). Về mặt kỹ thuật, quy trình sản xuất này khó nhất và là bí quyết của mỗi đơn vị nuôi, cấy trai. Nguyên tắc là đảm bảo kỹ thuật cấy ghép và nuôi dưỡng để trai không đào thải nhân, tỷ lệ trai ngậm nhân cao. Bởi vì sau khi cấy ghép sức khỏe của trai rất yếu, vị trí các viên nhân và tế bào chưa ổn định trong túi ngọc. Quá trình thao tác phẫu thuật có những chấn thương làm cho con trai bị đau và dễ nhiễm trùng. Vì vậy, khi cấy ghép và sau cấy ghép, nhân đều phải đảm bảo sạch sẽ, không bị nhiễm khuẩn. Trong giai đoạn nuôi dưỡng phải luôn giữ môi trường bể nuôi sạch và thực hiện các thao tác nhẹ nhàng để giảm thiểu tỷ lệ trai chết...
Hiện Công ty TNHH MTV Quen Pearl thực hiện kỹ thuật cấy ghép tiên tiến cho ra sản phẩm ngọc trai nước ngọt hình tròn có kích cỡ từ 4 đến trên 12 mm, màu sắc đa dạng, chất lượng ngọc cao. Sản phẩm ngọc trai thu hoạch của Công ty được phân làm 6 loại, trong đó có những viên ngọc trai đạt được các tiêu chí dày, tròn, bóng, màu sắc đẹp, kích cỡ to, không tỳ vết, có giá trị từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/viên. Công ty đã thuê nhiều hồ lớn ở Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, liên kết với các hộ dân đang nuôi cá lồng để hợp đồng nuôi và thu mua sản phẩm. Trong năm 2019, Công ty đã bán ra thị trường gần 4kg ngọc (khoảng 3.000 con trai) với doanh thu gần 50.000 USD.
Từ thành công bước đầu của mô hình nuôi trai lấy ngọc trên các hồ lớn trong tỉnh, gia đình chị Huyền Trang quyết tâm đầu tư thiết bị để tự sản xuất ra mô cấy làm ngọc trai (làm từ vỏ trai cóc, hiện đang phải nhập khẩu từ Nhật) để từ đó nhân rộng nghề nuôi trai lấy ngọc tại một số địa bàn trong tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!