Nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống bệnh dại

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì gần như 100% là tử vong, mặc dù vậy, những ca tử vong này hoàn toàn có thể tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin kịp thời, đúng và đầy đủ.

Vẫn còn tình trạng thả rông chó tại tổ 15, phường Quyết Thắng (Thành phố).

Hiện số lượng chó nuôi trên địa bàn tỉnh ước tính có gần 200.000 con, số hộ nuôi chó khoảng 120.000 hộ, chó nuôi chủ yếu theo hình thức thả rông nên khi chó bị mắc bệnh dại thường bỏ nhà đi, rất khó phát hiện, kiểm soát. Do không kiểm soát, phát hiện kịp thời chó dại đã cắn người, khiến cho từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có 4 người bị tử vong do chó cắn. Điển hình vào đầu tháng 4/2019, là trường hợp của một bé trai người Mông 11 tuổi ở bản Co Sáy, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, bị chó cắn nhưng không tiêm phòng, sau 3 tháng thì bệnh khởi phát, gia đình đưa đi viện cứu chữa nhưng cháu bé đã tử vong sau khi lên cơn dại. Gần đây nhất, vào đầu tháng 5/2019, một phụ nữ ở bản Tà Xa, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn và cháu ở bản Nà Cành, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu cũng bị tử vong do bị chó dại cắn...

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Trước việc liên tục xảy ra các vụ người bị chó cắn tử vong do lây bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố, các xã, phường tập trung tuyên truyền nội dung của Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Bên cạnh đó, Chi cục đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật, nhất là công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi, đồng thời, mở lớp tập huấn phổ biến các văn bản Quy phạm pháp luật, hướng dẫn các quy định về phòng chống bệnh dại tại cơ sở.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc người dân trên địa bàn vẫn còn thói quen thả rông chó hay việc không đảm bảo các biện pháp an toàn khi thả chó nơi công cộng vẫn phổ biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới số người hàng năm phải đi tiêm phòng dại do bị chó cắn là rất lớn. Việc thả rông chó và không rọ mõm còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi xe đạp, xe máy. Do vậy, để thay đổi được thói quen này phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của các chủ vật nuôi. Nếu chấp hành nghiêm việc tiêm phòng cho vật nuôi thì việc tử vong do bệnh dại ở người sẽ giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Thái Hòa, tổ 7, phường Tô Hiệu (Thành phố), cho biết: Tôi thấy hiện nay, rất nhiều người nuôi chó mèo còn thiếu ý thức, không chấp hành các quy định: Thả rông, không rọ mõm chó khi đưa ra ngoài đường, khi chó cắn người thì tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm. Tại các tổ, bản, ngõ, xóm luôn bắt gặp chó thả rông, gây nguy hiểm cho người đi bộ, các em nhỏ, học sinh đi học. Từ khi có quy định của Chính phủ về xử phạt các hộ nuôi chó mèo không tiêm phòng và thả rông chó, gia đình tôi đã chấp hành nghiêm việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, rọ mõm và xích khi đưa chó ra nơi công cộng. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các hộ vi phạm, để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Điều khá bất cập là hiện nay còn rất nhiều người chủ quan với bệnh dại, khi bị chó mèo cắn, họ không đến các cơ sở y tế tiêm phòng, thậm chí nhiều người khi được tư vấn tiêm phòng, sau nhiều lần liên lạc, các nhân viên y tế cũng không thể liên lạc được đối tượng để tiêm phòng. Điều đó cho thấy nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả và sự nguy hiểm của bệnh dại còn thấp. Nhiều trường hợp tử vong vô cùng đáng tiếc do người dân chủ quan không tiêm phòng vắc xin dại khi bị chó, mèo bị bệnh cắn, hoặc điều trị bằng các biện pháp chưa được phê duyệt (như thuốc nam).

Bà Lê Thị Trang, cán bộ Phòng Kiểm soát dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nói: Nhiều người cho rằng, vắc-xin dại độc hại cho sức khỏe, nhưng đó là những suy nghĩ sai lầm vì vắc-xin dại cũng là vắc - xin phòng bệnh như các loại vắc-xin khác, tính an toàn được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Vì vậy, đẩy mạnh truyền thông và truyền thông hiệu quả là biện pháp cực kỳ quan trọng, góp phần giảm những ca tử vong đáng tiếc. Tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo là biện pháp hiệu quả nhất để loại trừ bệnh dại lây sang người. Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị chó, mèo nghi dại cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

 

Tại Quyết định 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” nêu rõ: Người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Điều 2, Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y cũng quy định: Nếu chủ vật nuôi không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới