Huyện Mai Sơn hiện có 20.700 ha ngô, trên 6.000 ha cà phê. Hằng năm, ngoài sản phẩm thu hoạch chính là ngô hạt, cà phê nhân thì phụ phẩm đi kèm là khoảng 26.000 tấn lõi ngô và 39.000 tấn vỏ cà phê. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc ủ phân hữu cơ, tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi đất; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
HTX Trường Tiến, bản Củ 2, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) sử dụng phân ủ hữu cơ chăm bón vườn cây ăn quả.
Thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020, huyện Mai Sơn đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh, hướng dẫn các HTX đăng ký tham gia mô hình và hỗ trợ thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ tại các HTX đăng ký sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có các HTX triển khai thực hiện, như: HTX Ngọc Lan (Hát Lót), HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng (Nà Bó), HTX Chanh leo hữu cơ 666.28 (Phiêng Pằn), HTX Mé Lếch và Liên hiệp HTX Hưng Thịnh (Cò Nòi) được hỗ trợ 5 tỷ đồng để áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ đối với 30 ha bưởi, xoài, na, thanh long, chanh leo và rau. Hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc (Tập đoàn Quế Lâm) thực hiện hỗ trợ 4 tấn men vi sinh để ủ khoảng 2.000 tấn phân hữu cơ và hướng dẫn kỹ thuật cho các HTX trên địa bàn huyện thực hiện, số tiền hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc cho biết: Mai Sơn là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh được Công ty hướng dẫn thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ. Đến nay, Công ty đã tổ chức tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ cho 6 thành viên HTX chanh leo hữu cơ 666.28 tại bản Kết Hay, xã Phiêng Pằn và hỗ trợ 120 kg men vi sinh ủ 60 tấn phân hữu cơ từ phân chuồng, vỏ cà phê.
Từ những ưu điểm, lợi ích sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, ngoài mô hình ủ phân hữu cơ của tỉnh hỗ trợ, trước đó, một số HTX đã áp dụng ủ phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là HTX Trường Tiến, bản Củ 2, xã Chiềng Ban, HTX có 12 ha cây ăn quả có múi và 18 ha cà phê trồng xen bơ, trong đó, 12 ha trồng cây ăn quả đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX Trường Tiến chia sẻ: Năm 2016, qua các phương tiện thông tin đại chúng, HTX chúng tôi biết đến mô hình ủ phân hữu cơ sử dụng nguyên liệu từ vỏ cà phê, lõi ngô, phân chuồng, bột sắn và bã dong riềng... là những nguyên liệu có sẵn, giá thành rẻ. Tôi đã thực hiện ủ thử nghiệm và hướng dẫn các thành viên HTX ủ phân hữu cơ và sử dụng phân bón hữu cơ thay thế hoàn toàn phân hóa học và phân vi sinh để chăm bón vườn cây ăn quả. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bọ. Nhờ đó, toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Từ khi sử dụng phân bón hữu cơ, hàng năm, HTX tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí mua phân bón; vườn cây sử dụng phân bón hữu cơ đất được cải tạo, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản lượng quả tăng khoảng 30%.
Ủ phân hữu cơ cần tuân thủ quy trình, đảm bảo duy trì độ ẩm, thời gian ủ từ 30-60 ngày tùy thuộc vào nguyên liệu sử dụng. Để ủ phân hữu cơ hiệu quả, tiết kiệm thời gian, ngoài các phụ phẩm nông nghiệp từ lõi ngô, vỏ cà phê, bột sắn, bã dong riềng... nên sử dụng các loại phân chuồng làm chất độn, theo tỷ lệ 1:1 (1 kg phụ phẩm nông nghiệp kèm 1 kg phân chuồng). Hiện nay, chi phí sản xuất phân hữu cơ chỉ từ 1.600-1.800 đồng/kg, so với các sản phẩm phân vi sinh có giá bán trên thị trường từ 4.000-9.000 đồng/kg, giá thành rẻ hơn từ 2-4 lần. Mặt khác lại tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp trong ủ phân hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường.
Triển khai mô hình ủ phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là những bước tiến đầu tiên trong triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững. Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động các HTX tích cực sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất; chú trọng xây dựng và giữ vững các thương hiệu nông sản địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ HTX triển khai các mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ và quảng bá giới thiệu về các mô hình nông nghiệp hữu cơ đến người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!