Không chủ quan với bệnh dại ở chó

Ngày 7/2/2017, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh nhận được Công văn của Sở Y tế, về trường hợp bệnh nhân Phún Thị Páng, sinh năm 1952, thường trú tại bản Tắt Ngoãng, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), bị chó cắn vào nhập viện nội trú với chẩn đoán lên cơn dại và đã tử vong.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố

tiêm vắc xin phòng dại cho chó tại phường Quyết Thắng.

Ngay khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh yêu cầu Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Mộc Châu, phối hợp với UBND xã Chiềng Hắc điều tra, thống kê đàn chó và cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn cùng nhân viên thú y xã kiểm tra, rà soát để tiêm phòng cho đàn chó. Đồng thời, chỉ đạo trạm thú y các huyện, thành phố phối hợp nắm bắt tình hình bệnh dại, triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng dại ngay cho đàn chó trên địa bàn tỉnh...

Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh đã yêu cầu các Trạm chăn nuôi và thú y tích cực tham mưu cho UBND các huyện, thành phố ban hành chỉ thị triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm năm 2017. Đặc biệt, là kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng dại ở chó vụ xuân hè, bắt đầu từ ngày 10/3 đến tháng 6/2017, vụ thu đông từ tháng 9 đến tháng 11/2017 với tổng số 141.770 liều vắc xin phòng dại. Ngoài ra, còn tiêm bổ sung hàng tháng cho chó mới sinh chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Tích cực phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn điều tra, giám sát dịch bệnh dại ở chó trên địa bàn, thống kê, rà soát lại tổng đàn chó hiện có để triển khai tiêm phòng vắc xin dại theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ông Lừ Văn Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, cho biết: Từ năm 2014, tỉnh ta đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vắc xin phòng dại ở chó đối với các huyện có Chương trình 30a và các xã vùng III, hỗ trợ 50% kinh phí tiêm vắc xin phòng dại ở chó đối với các xã vùng II và 30% đối với các xã vùng I. Các phường, thị trấn không được hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng dại ở chó. Tuy nhiên, năm 2016, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại ở chó chỉ đạt hơn 70% tổng đàn. Những nơi người dân hưởng ứng mang chó đi tiêm nhiều tập trung ở các huyện có Chương trình 30a, các xã vùng III được hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin và các phường, thị trấn. Còn các xã vùng I và vùng II có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó đạt thấp, do không được hỗ trợ 100% kinh phí tiêm phòng như ở các xã vùng III và các huyện có Chương trình 30a. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh dại ở chó vẫn xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong tháng 1 và đầu tháng 2 năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 522 người bị chó cắn phải đi tiêm vắc xin phòng dại. Trong đó, có 150 người đến tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 98 người tiêm vắc xin phòng dại ở huyện Mai Sơn, 51 người ở huyện Mộc Châu, 60 người ở huyện Thuận Châu, 43 người ở huyện Phù Yên... Hiện nay, đang là thời điểm thời tiết chuẩn bị chuyển sang mùa hè, nguy cơ bệnh dại ở chó tăng cao. Theo khuyến cáo của ngành y tế, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa được bệnh dại, người đã lên cơn dại thì 100% tử vong. Vì vậy khi bị chó, mèo cắn, người dân cần chủ động đến ngay cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại ở động vật và ngăn ngừa lây bệnh dại từ động vật sang người, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh dại. Ngay trong tháng 3, UBND các huyện, thành phố cần duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố triển khai thực hiện tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc khử trùng vùng có dịch; chủ động lực lượng, nguồn kinh phí để kịp thời tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó. Tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân nâng cao nhận thức việc tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi và tích cực hưởng ứng. Nuôi chó tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa, tổ chức, cá nhân nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương; chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y; thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông. Ở thành phố, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải đeo dây xích, rọ mõm cho chó và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường làm mất vệ sinh nơi công cộng. Nếu người dân phát hiện chó lạ cắn người thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y gần nhất.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới