Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, từ tháng 2 đến hết ngày 10/3, đã có 24 con trâu, bò của 18 hộ tại các xã Mường Cơi (Phù Yên); Mường Tè (Vân Hồ) và Tà Lại, Tân Hợp (Mộc Châu), mắc bệnh viêm da nổi cục, nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Đặc biệt, tại huyện Vân Hồ, tình hình bệnh dịch đang có diễn biến phức tạp, bệnh đã xuất hiện tại 3 bản của xã Mường Tè, với 18 con trâu, bò nhiễm bệnh. Huyện đã công bố dịch tại xã Mường Tè cũng như các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Các cơ quan chức năng, địa bàn có dịch đang tập trung triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; thực hiện phun tiêu độc khử trùng đối với các hộ có trâu bò đã bị dịch; cách ly toàn bộ số bò khỏe mạnh ra khỏi vùng dịch. Các địa phương khác cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò tại huyện Vân Hồ.
Ông Lường Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Mường Tè, cho biết: Xã đã thông báo tình hình bệnh cho ban quản lý các bản; chỉ đạo tuyên truyền, thông tin tình hình dịch trên loa truyền thanh của xã, bản 3 lượt/ngày; thực hiện tiêu hủy bò nhiễm bệnh. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không buôn bán trâu bò bị bệnh, thực hiện tiêu hủy đúng quy trình… Thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật ở các tuyến đường vào xã để kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ bò và các sản phẩm của bò mắc bệnh ra khỏi địa bàn, kiên quyết không để dịch bùng phát, lây lan ra diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Theo thông tin từ ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, công tác phòng, chống dịch đang được địa phương khẩn trương thực hiện, nhất là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về mức độ nguy hiểm, các đường truyền lây nhiễm của bệnh dịch viêm da nổi cục. Chỉ đạo các xã thành lập các chốt kiểm dịch, thực hiện phun tiêu độc khử trùng phương tiện qua chốt; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hoạt động mua bán, trao đổi động vật ở những địa bàn công bố dịch với các địa bàn khác. Huyện đã cấp trên 1.300 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi; tiêm gần 2.000 liều vắc xin thử nghiệm cho đàn bò trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vắc xin phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin. Sau khi tổ chức tiêm thí điểm vắc xin viêm da nổi cục Lumpyvac nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại huyện Vân Hồ và Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, vắc xin được đánh giá đảm bảo chất lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo sử dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Chi cục đã tham mưu đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vắc xin Lumpyvac phòng chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, tổ chức tiêm đồng độ vắc xin phòng bệnh dịch tại vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm trong bán kính 100 km kể từ vùng dịch. Chi cục phối hợp với các địa phương huy động lực lượng tại chỗ ở các xã, bản tham gia hỗ trợ lực lượng thú y tiêm vắc xin cho đàn trâu, bò; chủ động phương án bảo quản, tổ chức tiêm phòng đối với những đàn trâu, bò ở cách xa khu trung tâm hoặc chăn thả ở các lũng sâu.
Thời điểm này, thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho các loại côn trùng sinh sôi, phát triển mạnh, tăng nguy cơ bùng phát dịch viêm da nổi cục. Thời gian ủ bệnh viêm da nổi cục trung bình khoảng 4 - 14 ngày, khả năng lây nhiễm bệnh qua côn trùng truyền nhiễm khoảng cách lên tới 50 km, việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên, không lơ là, nhất là trong thời gian chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng, ưu tiên sử dụng vôi bột sẵn có tại địa phương để vệ sinh chuồng trại, hạn chế các nguồn bệnh lây lan.
Các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, khoanh vùng dịch và triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống, kiểm soát bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh. Người dân cần hiểu rõ về mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan bệnh dịch và hậu quả kinh tế để chung tay phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh viêm da nổi cục, bảo vệ tài sản của gia đình và cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!