Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 37 con bò (1 con đã chết) bị mắc bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, tại 28 hộ ở 5 bản thuộc xã Chiềng Khoa (Vân Hồ). Do số lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh lớn, chăn nuôi chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung. Việc vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp... làm tăng nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Ảnh: PV
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò lây lan trên địa bàn tỉnh, ngày 29/11, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND yêu cầu các huyện, thành phố; các sở, ngành liên quan tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Theo đó, các địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu, rộng đến người dân về dịch bệnh; công tác phòng, chống dịch bệnh và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân có gia súc bị tiêu hủy; tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện trâu, bò bệnh, nghi bệnh, chết... báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y kịp thời xử lý; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển trâu, bò, thực hiện vệ sinh, khử trùng sau giết mổ... Chủ động kinh phí, vật tư, trang thiết bị, lực lượng và phương tiện sẵn sàng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!