Hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch COVID-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung rà soát mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, nhất là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

 

Khách hàng giao dịch tại quầy đảm bảo tối thiểu khoảng cách 2m.

 

Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã triển khai đầy đủ các chủ trương chính sách trong việc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khử trùng tiền mặt trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước, trường hợp lượng tiền mặt tồn kho nhiều sau khi khử khuẩn có thể lưu lại tại kho một thời gian nhất định trước khi xuất tiền chi cho khách hàng; tăng cường giao dịch online... Đối với khách đến giao dịch, trực tiếp đo thân nhiệt, hướng dẫn khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay trước khi giao dịch với ngân hàng.

 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh còn chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh HTX tỉnh nắm bắt thông tin khách hàng bị thiệt hại để kịp thời đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về các giải pháp của ngành Ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để các tổ chức, cá nhân biết và phối hợp cung cấp thông tin cho Ngân hàng.

 

BIDV đã triển khai trong toàn hệ thống các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, đối với dư nợ hiện hữu, BIDV sẽ cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch của doanh nghiệp. Đồng thời, giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương bị giảm thu nhập do dịch. Riêng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có nhu cầu vay mới, BIDV cũng giảm 2% lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay cùng loại. Ngoài ra, nhằm khuyến khích và tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm dịch COVID-19, BIDV triển khai các chính sách giảm phí giao dịch, các chương trình khuyến mại để khuyến khích khách hàng giao dịch trên kênh Ngân hàng điện tử. Trong đó, đối với khách hàng cá nhân, BIDV thực hiện giảm hơn 70% phí giao dịch chuyển tiền ngoài hệ thống đối với các giao dịch có giá trị ≤ 500.000 đồng (xuống còn 2.000 đồng/giao dịch) trên các kênh ngân hàng điện tử (NHĐT). Ngoài ra, BIDV thực hiện hoàn 100% phí giao dịch cho khách hàng mới trên kênh NHĐT và cộng 0,2% lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng gửi tiền online...

 

Theo đại diện Agribank Sơn La, Chi nhánh đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 do đồng chí Giám đốc làm trưởng ban, thành lập Tổ phản ứng nhanh để kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh. Thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh từ các chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc và người lao động. Trang bị 5 buồng khử khuẩn tại Hội sở và 4 chi nhánh (Thành phố, Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn); bố trí khách hàng giao dịch tại quầy đảm bảo tối thiểu khoảng cách 2m giữa khách hàng với khách hàng. Ngoài ra, Agribank Chi nhánh Sơn La đang tích cực triển khai chương trình hành động của Agribank về các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

 

Theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, đến nay, có 5 tổ chức tín dụng có khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tổng số 15 khách hàng, tổng dư nợ trên 488 tỷ đồng, thuộc một số lĩnh vực ngành nghề kinh doanh chế biến nông sản, vận tải, dịch vụ du lịch, kinh doanh thiết bị trường học, giáo dục, nhà hàng ăn uống... Có 25 khách hàng đang bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch (có nguy cơ bị thiệt hại), tổng dư nợ trên 460 tỷ đồng. Hiện, các tổ chức tín dụng đang khẩn trương lập hồ sơ phê duyệt các giải pháp: miễn giảm lãi vay đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 4 khách hàng với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng, số tiền lãi 984 triệu đồng; giảm lãi cho 6 khách hàng (tổng số tiền lãi 533 triệu đồng); cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 2 khách hàng (tổng dư nợ trên 36 tỷ đồng); tăng hạn mức tín dụng cho 1 khách hàng (tổng hạn mức 120 tỷ đồng).

 

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 01 của NHNN Việt Nam để kịp thời triển khai hỗ trợ; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí dịch vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo việc hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tác tổ chức, cá nhân trên địa bàn về các gói hỗ trợ của ngân hàng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới