Hàng tiêu dùng tăng giá nhẹ sau Tết Nguyên đán

Thị trường hàng hóa sau Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng giá nhẹ, nhất là các loại thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá...

 

Người dân mua sắm thực phẩm tại chợ Rặng Tếch (Thành phố).

Ngày 2/2 (tức mùng 9 tháng giêng), 80% tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã trở lại buôn bán bình thường. Nhờ bảo đảm nguồn cung, nên không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá quá cao. Tại chợ Rặng Tếch (Thành phố), giá cả hầu hết các loại rau củ quả đều tăng nhẹ so với thời điểm giáp tết, bởi trong Tết thời tiết rét đậm, cây màu khó phát triển, cộng với tình hình bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi-rút Corona ảnh hưởng đến nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa giữa các vùng. Theo đó, bắp cải hiện được bán với giá 15.000 đồng/kg, cà rốt nhà lưới 20.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg...; một số mặt hàng tăng mạnh từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, như mướp đắng hiện bán 40.000 đồng/kg; rau sống các loại 40.000 - 50.000 đồng/kg; hành tây 30.000 đồng/kg... Thực phẩm tươi sống: Thịt lợn, cá, các loại gia súc, gia cầm khác cũng tăng từ 10.000 - 80.000 đồng/kg: Cá trắm cỏ từ 4 kg trở lên 85.000 - 100.000 đồng/kg; thịt bò 330.000 đồng/kg. Riêng thịt lợn vẫn giữ giá cao so với cùng kỳ năm trước, do bệnh dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm, hiện chưa thể tái đàn ở các vùng dịch; kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan... mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn sau tết tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.

Đối với hoa tươi, thời điểm này giá giảm so thời điểm giáp tết. Hoa cúc lưới loại đẹp có giá 4.000 đồng/bông; hoa cúc thường 15.000 - 30.000 đồng/bó, lay-ơn 10.000 đồng/bông, hoa hồng 7.000 đồng/bông. Duy chỉ có mặt hàng trái cây không tăng so trước Tết: Quýt đường 35.000 đồng/kg, bưởi da xanh 120-130.000 đồng/quả, cam sành 25.000 đồng/kg, thanh long 70.000 đồng/kg, dưa hấu 20.000 đồng/kg, xoài các loại 30 đến 70.000 đồng/kg...

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2020 diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, chuỗi các siêu thị Vinmart đi vào hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, do chủ động chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú, đa dạng...

Quản lý, điều hành và bình ổn giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá, đo lường hàng hóa, bảo đảm chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá, phát hiện các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói... Ông Hoàng Việt Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Thành phố, cho biết: Sau Tết sức mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu giảm nhiều; trong khi nguồn thực phẩm còn khá dồi dào, là yếu tố góp phần ổn định mặt bằng giá cả. Thời điểm này, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút nCoV đang diễn biến phức tạp, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với khẩu trang và nước sát khuẩn. Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã kêu gọi doanh nghiệp và người dân phát hiện những cơ sở kinh doanh thiết bị y tế lợi dụng để trục lợi, hãy gọi điện đến hotline 1900.888.655 để kịp thời phản ánh, tố giác... 

Nhìn chung, một số mặt hàng tăng giá sau Tết Nguyên đán chỉ mang tính tự phát, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm...; còn tại một số siêu thị, giá cả các mặt hàng vẫn khá ổn định; ở một số chợ truyền thống, có những mặt hàng tăng giá nhưng không quá cao so với cùng kỳ năm trước, người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới