Hàng ngàn hecta cây trồng bị thiệt hại do sương muối

Theo báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, những ngày đầu tháng 12, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại và xuất hiện sương muối làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Theo số liệu thống kê đến 17h30 ngày 10/12, sương muối làm 131,4 ha rau màu, hơn 2.167,93 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong số diện tích cây trồng bị thiệt hại, có gần 1.315 ha cà phê, chè 7,1 ha, xoài 171 ha, nhãn 166 ha; mít 509 ha. Riêng sản lượng cà phê ước thiệt hại gần 20.000 tấn quả, gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh và các hộ nông dân.

 

Diện tích chuối của các hộ dân ở Chiềng Ban (Mai Sơn) cũng bị ảnh hưởng do sương muối.

 Chúng tôi có mặt tại bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), một cảnh tượng thật xót xa, nương cà phê trĩu quả của nhiều hộ dân đang chuẩn bị cho thu hoạch nay bị sương muối đã khiến cành cây héo khô, lá cháy đen, quả non, quả già đều héo quắt; những giàn su su thu tiền triệu của các hộ dân cũng héo trụi. Gia đình Trưởng bản Đặng Đình Thị cùng gia đình các ông: Đặng Đình Thắng, Hoàng Văn Cường, Nguyễn Văn Thi…đều bị thiệt hại nặng trong đợt sương muối này. Trưởng bản Đặng Đình Thị gạt nước mắt nói: Chúng tôi đau lắm, chỉ sau một đêm (đêm 8/12) sương muối, cây cối, hoa màu bị tàn phá nặng nề. 75 hộ dân của bản gần như trắng tay, tổng diện tích bị thiệt hại của bản gồm 30 ha cà phê, 5 ha nhãn, 15 ha rau quả và 2 ha ao cá. Những ngày này, bản đến từng hộ động viên, hướng dẫn người dân tận thu cà phê dù chất lượng quả vẫn còn non, nếu trước đây quả cà phê bán được 7.100 đồng/kg thì những quả cà phê thu hoạch sau sương muối chỉ có thể bán được 1.000 đồng/kg. Tính về thiệt hại là rất lớn, 1 ha cà phê sau khi bị chết cháy, phải khôi phục, chăm sóc tốt 3 năm sau mới cho ra quả, mỗi năm đầu tư chăm bón 1 ha cà phê khoảng trên 50 triệu đồng. Về cây nhãn, đầu tư trồng, chăm sóc ban đầu khoảng trên 100 triệu đồng/ha, mà 5 ha nhãn ghép của bản vừa cho quả bói vụ vừa qua, sau thiệt hại này, bà con phải đầu tư lại từ đầu. Riêng về su su, cứ 1.000 m² đầu tư làm giàn khoảng 100 triệu đồng, nếu không bị sương muối, sau 1 năm bà con thu được vốn đầu tư làm giàn. Thiệt hại là vậy, nhưng khó khăn nhất là thu nhập của các hộ dân đều từ diện tích cây trồng này, trong thời gian khắc phục hậu quả, sinh kế của người dân là rất khó khăn. 

 

Các hộ dân ở bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) tận thu quả cà phê sau thiệt hại do sương muối.

Muổi Nọi là xã có diện tích cà phê bị thiệt hại trong đợt sương muối này nhiều nhất huyện Thuận Châu, với 110 ha. Ông Quàng Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND xã buồn bã: 100% hộ dân trong xã trồng cà phê. Toàn xã có 344 ha cây cà phê, là cây trồng chủ lực của xã. Bước vào đợt rét đậm, xã đã chuẩn bị 30 tấn trấu để sưởi ấm cho cà phê nhưng rất tiếc bà con vừa nhập trấu về ngày 7/12, chưa kịp đưa vào sử dụng thì ngay tối hôm đó, diện tích cà phê đã bị ảnh hưởng sương muối. Giờ thì chỉ biết động viên bà con khắc phục hậu quả.

Tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, gia đình các ông, bà: Đinh Văn Đặng, Đinh Thị Điệp, Phạm Thị Tâm, Vũ Thị Mai cũng đang thu lượm những quả cà phê sau sương muối, vớt vát bán được đồng nào đỡ thiệt hại phần đó. Chị Đặng Thị Điệp nói: Nguồn thu của gia đình tôi chủ yếu dựa vào 1 ha cà phê, nay sương muối “đốt cháy” hết diện tích cà phê của gia đình tôi rồi. Sau đợt sương muối này, phải 3 năm sau mới được thu hoạch quả cà phê, trong khoảng thời gian đó, chưa biết bù đắp bằng nguồn thu nào để đảm bảo cuộc sống.

Còn ông Lê Xuân Thắng, Bí thư chi bộ bản Đông Hưng, ngậm ngùi: Cây cà phê được các hộ dân ở đây trồng từ năm 2003, tới nay đã hơn chục năm, đã 2-3 lần phải chống chọi với sương muối, nhiều diện tích được bà con khôi phục sau trận sương muối năm 2014, mới cho thu hoạch 2 năm nay thì lại gặp đợt sương muối này. Không chỉ vậy, đợt này có những diện tích cà phê không bị ảnh hưởng đợt sương muối năm 2014, cây có thâm niên gần chục năm thì nay cũng bị ảnh hưởng. Vậy là bà con lại phải quay về vạch xuất phát, đốn cây, tủ gốc, chờ lên mầm, 3 năm sau mới bắt đầu cho quả bói và phải 5 năm trở lên, cây cà phê mới cho năng suất ổn định. Quả là rất khó khăn đối với thu nhập và đời sống của bà con.

 

 

Nhiều diện tích cà phê của bà con ở bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) bị sương muối thiêu trụi.

 

 

Diện tích nhãn của các hộ dân bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) bị ảnh hưởng nặng do sương muối. 

Ngay sau khi nhận được thông tin hàng ngàn ha cây trồng của các địa phương bị thiệt hại sau đợt sương muối, lãnh đạo ngành Nông nghiệp & PTNT và chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng đã trực tiếp xuống hiện trường động viên bà con, hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục hậu quả ban đầu. Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngành đã đến tận cơ sở, chỉ đạo trực tiếp các biện pháp cấp bách để bảo vệ diện tích cà phê, đó là: Đối với các vườn ươm cà phê thực hiện ngay các giải pháp phủ bạt tre, bạt ni lông, rồi xử lý hun khói bằng trấu vào buổi sáng để tan nước đọng và sương muối đọng trên cây cà phê. Còn đối với diện tích cây từ một đến hai năm tuổi, thực hiện các biện pháp túc ẩm, đưa các vật liệu từ rơm, lá cây vào túc ẩm gốc hoặc dùng hệ thống tưới nước để tạo độ ẩm cho cây. Đặc biệt, đối với diện tích cây cà phê đang cho thu hoạch, chúng tôi yêu cầu các nhà vườn cần khẩn trương thu hoạch để đảm bảo chất lượng quả cà phê. Những cây cà phê đã bị hỏng và chết phải xử lý ngay bằng việc cắt bỏ thân để lại gốc theo yêu cầu kỹ thuật để cây có thể sinh trưởng mới. 

 

Diện tích su su của các hộ dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn) bị ảnh hưởng nặng do sương muối.

Thiệt hại sau đợt ảnh hưởng sương muối của nhiều gia đình là rất lớn, thời gian khôi phục lại diện tích cây trồng bị thiệt hại kéo dài 3 năm, thậm chí là 5-7 năm cây mới cho năng suất ổn định. Trong khoảng thời gian đó, chắc chắn đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, rất mong các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới