Hai giống lúa đem lại năng suất và chất lượng cao cho ngành lúa gạo Việt Nam

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - giải thưởng cao quý, nhằm tôn vinh tác giả của các công trình, cụm công trình khoa học xuất sắc - vừa được Bộ KH&CN tổ chức đầu năm 2017.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà vinh dự nhận Bằng khen do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng tại 

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN tối 15/1/2017. (Ảnh: TL)

Những công trình đoạt giải có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước. Công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” do PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa,  Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 4 đồng tác giả thực hiện là một trong những công trình đó.

PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà  là tác giả chính của 5 giống lúa quốc gia và 4 giống lúa sản xuất thử, trong đó nổi bật là OM6976 và OM5451 đang là giống lúa chủ lực ở ĐBSCL.

Là vùng sản xuất lúa và xuất khẩu gạo trọng điểm của cả nước, khu vực ĐBSCL chiếm trên 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu. Với thế mạnh đó, việc nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm gạo nước ta trên thị trường thế giới là yêu cầu cấp thiết. Theo định hướng này, công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” đã được thực hiện.

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước, đây là công trình có giá trị cao về khoa học, công nghệ. Kết quả của công trình đã tạo ra 2 giống lúa mới OM6976 và OM5451 có ý nghĩa khoa học cao vì đã được nghiên cứu một cách có hệ thống và có tính liên tục xuyên suốt để đạt được mục tiêu đề ra. Việc chuyển đặc tính giàu sắt, kẽm vào các giống lúa Việt Nam là tính mới của công trình này. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã thành công trong kết hợp được nhiều đặc tính tốt vào một giống lúa mới.

Hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 đã được ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Qua xác nhận bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ, diện tích ứng dụng của hai giống lúa OM6976 và OM5451 trong sản xuất qua 3 năm từ 2013-2015 lên đến 3.076.673 ha ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ, tạo ra lợi nhuận mới cho nông dân. Đối với xuất khẩu gạo, hai giống lúa OM6976 và OM5451 đã trở thành hai giống lúa xuất khẩu chất lượng cao chủ lực ở ĐBSCL, đóng góp đáng kể cho xuất khẩu gạo, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.

Hai giống lúa mới OM6976 và OM541 cũng đã được các doanh nghiệp tiếp nhận qua hình thức chuyển nhượng bản quyền để sản xuất kinh doanh. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương được chuyển nhượng bản quyền giống lúa OM6976; Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc trời) được chuyển nhượng bản quyền giống lúa OM5451.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, trong số hơn 100 công trình KH&CN được đề nghị xét tặng, Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước đã chọn ra 9 công trình đặc biệt xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Trong lĩnh vực nông nghiệp, công trình về hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 đã được ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Diện tích ứng dụng của 2 giống lúa này trong sản xuất qua 3 năm từ 2013 – 2015 lên đến trên 3 triệu hecta ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam Bộ, tạo ra lợi nhuận tăng thêm to lớn cho nông dân và trở thành 2 giống lúa xuất khẩu chất lượng cao chủ lực ở ĐBSCL. Đây chính là giải thưởng danh giá đối với nhà khoa học, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Những ưu điểm nổi bật của hai giống lúa OM6976 và OM5451 đang và sẽ đóng góp tích cực vào tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh nghiên cứu chọn tạo giống lúa, PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà còn nghiên cứu về công nghệ gene ở cây trồng, trong đó đã nghiên cứu cơ bản để xây dựng các quy trình chuyển nạp gene mới ở cây trồng theo hướng khắc phục các hạn chế về an toàn sinh học của sản phẩm biến đổi gene; là tác giả chính của hai công trình đã công bố trên tạp chí thế giới nổi tiếng (Plant Physiology và Theoretical and Applied Genetics) và 3 quy chuyển nạp gene mới cho cây bông vải, đậu tương và lúa./.

 
Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới