Góp sức bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo đồng chí Đào Đức Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, để bảo đảm an toàn thực phẩm trước hết phải nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. Cùng với đó, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật của nhà nước lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 

Cán bộ Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra ATTP

tại cơ sở chế biến, kinh doanh bánh phở, bún thị trấn Ít Ong (Mường La).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9.680 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó hơn 65% là cơ sở kinh doanh thực phẩm, còn lại là cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và cơ sở thức ăn đường phố. Số lượng cơ sở khá nhiều, hoạt động trên địa bàn rộng, có cơ sở chưa ý thức cao trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp một số khó khăn, đó là thiếu cán bộ, nhất là cán bộ có chuyên môn ở cấp huyện; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thật sự đồng bộ dẫn đến việc kiểm tra chồng chéo hoặc bỏ sót; kinh phí để tổ chức kiểm tra hạn chế…Trao đổi về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Là cơ quan chuyên trách công tác an toàn thực phẩm, Chi cục hiện có 17 cán bộ, viên chức, trong đó 13 người có trình độ đại học và sau đại học, 3 người trình độ trung cấp và 1 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Hằng năm, Chi cục đã tham mưu cho Sở Y tế kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; tham mưu việc giám sát, xử lý mối nguy ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa lũ trên địa bàn toàn tỉnh… Ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các cuộc giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sự kiện có tổ chức ăn uống đông người; kiểm tra, giám sát thu hồi và xử lý thực phẩm kém chất lượng...

Được biết, trong hoạt động, Chi cục luôn quan tâm công tác truyền thông bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật mới; hướng dẫn các kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn nhân dân thực hiện 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm... Riêng trong quý I/2018, ngoài phối hợp tuyên truyền nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục đã nhân bản và phát hành 440 đĩa DVD; 40.000 tờ rơi, tờ gấp; 200 quyển sách; căng treo 30 băng rôn, khẩu hiệu; nói chuyện trực tiếp 1.104 cuộc, với gần 35.000 lượt người tham dự...

Các cuộc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm từng bước được thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, trong đó tăng cường công tác thanh tra liên ngành, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong năm 2017 và quý I/2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp đã thanh tra, kiểm tra gần 9.100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát hiện 2.855 cơ sở vi phạm, trong đó cảnh cáo 43 cơ sở, nhắc nhở 2.372 cơ sở, phạt tiền 396 cơ sở, với trên 719 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước, hủy sản phẩm của 44 cơ sở. Ngoài ra, còn tổ chức lấy trên 3.000 mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ ăn uống và trong các vụ ngộ độc thực phẩm, phục vụ cho việc cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đến nhân dân, cũng như xác định rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Riêng trong Tháng Hành động an toàn thực phẩm năm nay, đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, mỗi đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm trên địa bàn 4 huyện. Cùng với đó, các huyện, Thành phố trong tỉnh đồng loạt ra quân hưởng ứng Tháng Hành động an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2017 đã giảm 21,7% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2016.

Với mục tiêu: Hạn chế thấp nhất số vụ và số người ngộ độc thực phẩm; trên 85% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm... Trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức, thực hành an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, người quản lý, lãnh đạo, tạo môi trường thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới