Tỉnh Sơn La vừa phối hợp với Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách "Địa chí Sơn La". Đây là công trình khoa học của tỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Với hơn 2.000 trang; gồm 7 phần chính, 88 chương, bạn đọc sẽ được cảm nhận về Sơn La có bề dày lịch sử qua nhiều thế kỷ, với nhiều dấu ấn quan trọng, sâu sắc, những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của các dân tộc cùng sinh sống trên dải đất biên cương phía tây của Tổ quốc.
Các nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học năm 2017
"Địa chí Sơn La" là cuốn bách khoa thư những tri thức cơ bản về tỉnh Sơn La, tổng hợp của nhiều bộ môn khoa học khác nhau, như địa lý học, sử học, chính trị học, kinh tế học, xã hội học, dân tộc học, văn hóa học. Tham gia đề tài "Nghiên cứu, biên soạn Địa chí Sơn La" có hơn 60 giáo sư, tiến sỹ, là nhà khoa học, chuyên gia từng lĩnh vực khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số bộ, ngành và trường đại học ở Hà Nội, có hiểu biết nhất định về tỉnh Sơn La, cùng các nhà nghiên cứu, chuyên viên các sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La, do Tiến sĩ Thào Xuân Sùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La làm chủ nhiệm đề tài. Nhóm đã nghiên cứu trong 7 năm, thực hiện hàng chục lượt thực tế tại các bản, xã, huyện, thành phố trong tỉnh; các tư liệu, sự kiện được ghi chép, tổng hợp tỷ mỷ, thận trọng; tổ chức 15 cuộc hội thảo nghiệm thu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; thu thập hơn 300 lượt ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhân vật tiêu biểu, người cao tuổi, chuyên gia từng lĩnh vực. Đề tài được đánh giá đạt loại xuất sắc.
Cuốn sách "Địa chí Sơn La" có bảy phần chính:
Phần thứ nhất: Tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, gồm 10 chương; giúp bạn đọc hiểu được những đặc điểm cơ bản nhất về tự nhiên, địa hình, khí hậu, thực vật, động vật... trên địa bàn tỉnh Sơn La từ xưa tới nay. Trên cơ sở đó phát huy, khai thác thế mạnh, quy hoạch phát triển hợp lý trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phần thứ hai: Dân cư và các dân tộc, gồm 12 chương. Giới thiệu tổng quát về các dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Sơn La, với nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Sơn La, từ đó giúp các nhà quản lý văn hóa nghiên cứu, định hướng kế hoạch phát triển trong tương lai, góp phần nâng cao giá trị khai thác kinh tế du lịch từ sắc thái đặc trưng, độc đáo của nhiều dân tộc hiện nay đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Phần thứ ba: Lịch sử, gồm 9 chương, giới thiệu chung về tỉnh Sơn La trong diễn trình lịch sử từ xưa đến nay, giúp các nhà lãnh đạo quản lý hiểu hơn về những giá trị tinh thần yêu nước, đặc điểm xã hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Sơn La, từ đó hoạch định và đưa ra những chính sách phù hợp với đặc điểm tâm lý xã hội con người nơi đây.
Phần thứ tư: Hệ thống chính trị, gồm 5 chương, cung cấp cho bạn đọc kiến thức tổng quát về quá trình hình thành xây dựng và phát triển của hệ thống các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan tư pháp, các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Sơn La từ khi thành lập đến nay.
Phần thứ năm: Kinh tế - xã hội, gồm 21 chương, được trình bày khoa học từ kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia đầu ngành, góp phần gợi ý, định hướng cho các nhà quản lý cấp cao của tỉnh có thêm góc nhìn biện chứng khoa học về từng lĩnh vực, về những vấn đề đang đặt ra cần quan tâm và giải quyết, nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, phấn đấu đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá giàu trong tương lai.
Phần thứ sáu: Văn hóa, gồm 11 chương, giới thiệu các giá trị văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Sơn La từ xưa tới nay. Các chương trong phần này mang những nét đặc trưng riêng có, là dấu ấn về mỗi lĩnh vực văn hóa của vùng đất, con người Sơn La.
Phần thứ bảy: Lược chí thành phố Sơn La và 11 huyện. Khái lược giới thiệu về tự nhiên, lịch sử, dân cư dân tộc, văn hóa, xã hội, kinh tế, những thành tích đã được khen thưởng của từng địa phương, giúp bạn đọc có thêm những kiến thức thực tiễn để hiểu hơn về tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của khí hậu, địa hình, phong tục tập quán, vùng văn hóa của mỗi huyện, thành phố, mỗi xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La trong tiến trình lịch sử.
"Địa chí Sơn La" giúp cho nhân dân trong tỉnh hiểu biết quê hương mình đầy đủ hơn; giải đáp có căn cứ khoa học hơn những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã, đang và sẽ đặt ra trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương. Đồng thời, góp phần giới thiệu mảnh đất và con người Sơn La; công lao, trí tuệ, thái độ sống của đồng bào các dân tộc Sơn La để các tỉnh bạn và người nước ngoài hiểu hơn về Sơn La, hợp tác với Sơn La trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.
Thái Hà (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!