Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn

Thực tế cho thấy, hiện nay không chỉ riêng khu vực đô thị mà cả ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất do rác thải, nước thải chế biến cà phê, dong riềng, sắn, chăn nuôi, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vì vậy toàn tỉnh hiện mới có 34 xã đạt tiêu chí số 17.

Nhân dân bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu) thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Theo kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như khó thực hiện tiêu chí số 17 đó là, các cấp chính quyền chưa quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường nông thôn; quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhất là ở các xã ven thị gây nhiều áp lực đối với môi trường. Cùng với đó, nguồn nội lực dành cho công tác thu gom, xử lý rác thải ở các địa phương hạn chế, do đời sống người dân còn khó khăn, kinh phí từ nguồn đóng góp của nhân dân không đảm bảo để duy trì mạng lưới thu gom rác thải. Một bộ phận người dân chưa ý thức cao trong việc tự giác thực hiện thu gom và xử lý rác thải đúng quy định, dẫn đến tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở một số địa bàn có quy mô nhỏ, nằm phân tán, chưa chú trọng đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều, một số hộ dân sử dụng chưa đúng cách, đã phát sinh chất thải độc hại tới môi trường...

Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn do chất thải gây ra, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, Quyết định số 1464/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung Quyết định 2938/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Sơn La đến năm 2020 (có nội dung quy hoạch đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn); Quyết định số 3391/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng giai đoạn 2018-2020... Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành đề xuất việc hỗ trợ, xử lý rác thải nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các điểm thu gom chất thải rắn đô thị và nông thôn để công khai, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn với công nghệ phù hợp. Triển khai thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới theo hướng xã hội hóa tại Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn; tổ chức các lớp tập huấn công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; xây dựng hệ thống xử lý môi trường đối với các hộ chăn nuôi... Các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào, cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày về nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới”... In ấn, cấp phát tài liệu, sáng tác tranh cổ động, tờ rơi, tờ gấp, xây dựng cụm pa nô, áp phích... với nội dung về bảo vệ môi trường. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hành Sổ tay hướng dẫn phân loại, thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Trong đó, hướng dẫn cụ thể việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nói chung và tại các hộ gia đình nói riêng; thu gom, phân loại rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp; giới thiệu một số mô hình quản lý rác thải nông thôn; hướng dẫn thành lập tổ thu gom rác thải, tổ tự quản vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, với các nội dung chủ yếu về thực trạng, giải pháp quản lý môi trường trong toàn tỉnh; hướng dẫn phân loại, thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn... Hiện nay, toàn tỉnh có 12 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt và hàng trăm bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ Sơn La đã tiến hành thu gom rác thải tại các trung tâm xã gần huyện, thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, lượng rác thải và vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom còn khá khiêm tốn so với thực tế.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện của một bộ phận người dân khu vực nông thôn. Rà soát điều chỉnh và triển khai quy hoạch đối với chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, xây dựng mô hình điểm về thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn để nhân diện rộng. Tiếp tục triển khai đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng giai đoạn 2018-2020...

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới