Ngày 21/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, kể từ 16h30 chiều nay (21/3), giá bán lẻ các mặt hàng xăng A92 tăng 670 đồng một lít, lên 14.422 đồng/lít; xăng E5 tăng 570 đồng lên 13.891 đồng/lít.
Ảnh minh họa
Giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel 0.05S cũng tăng 293 đồng/lít lên 9.873 đồng/lít; Dầu hỏa giữ ổn định giá 8.905 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giữ ổn định giá 7.225 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 21/3/2016 là 49,949 USD/thùng xăng RON 92; 46,309 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 48,053 USD/thùng dầu hỏa; 179,448 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Như vậy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành này so với kỳ điều hành trước liền kề tăng 7,635 USD/thùng đối với xăng RON 92 (tương ứng +18,0%); tăng 5,984 USD/thùng đối với dầu diesel 0.05S (tương ứng +14,8%); tăng 5,438 USD/thùng đối với dầu hỏa (tương ứng +12,8%); tăng 25,263 USD/tấn đối với dầu mazut 180CST 3.5S (tương ứng +16,4%).
Cùng với việc điều chỉnh giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Cụ thể, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng khoáng: 1.047 đồng/lít; Xăng E5: 1.115 đồng/lít; Dầu diesel: 983 đồng/lít; Dầu hỏa: 909 đồng/lít; Dầu mazut các loại: 231 đồng/kg.
Trước đó, ngày 17/3 Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng dầu. Cụ thể, mức thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%. Trong khi đó, dầu diezel và dầu madut được điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu từ 10% xuống còn 7%; Dầu hỏa giảm từ 13% về 7%; Xăng máy bay và nhiên liệu động cơ máy bay còn 7%.
Bộ Tài chính cho biết, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định thương mại song phương và khu vực.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 189/BTC-QLG ngày 18/3/2016 về điều hành kinh doanh xăng dầu, thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau. Cụ thể: Mặt hàng xăng: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 18,08%; Mặt hàng dầu diesel: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 0,60%; Mặt hàng dầu mazut: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 0,03%; Mặt hàng dầu hỏa: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 0%./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!