Khoảng 1 tuần trở lại đây, mặt hàng rau xanh trên địa bàn tỉnh tăng giá bán, có loại tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Giá rau tăng khiến việc tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh của HTX Nông nghiệp xanh 26/3 chậm hơn.
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn Thành phố, những ngày gần đây, mặt hàng rau xanh vẫn khá đa dạng về chủng loại nhưng giá bán lại tăng cao. Đặc biệt giá bán cà chua, từ 60.000-70.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với thời điểm trước. Một số loại củ, quả khác tăng bình quân từ 2-3 giá. Rau bắp cải, su hào, cải thảo giá 25.000-30.000 đồng/kg; bí đỏ, bí xanh 20.000 đồng/kg; cà rốt, khoai tây 30.000 đồng/kg; rau gia vị 50.000 đồng/kg...
Giá một số mặt hàng rau, củ tăng trong thời điểm này khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Chị Hà Kim Lợi, tổ 2, phường Chiềng Cơi (Thành phố), cho biết: Thời điểm trước, gia đình tôi có 4 người, chỉ cần mua 10.000-15.000 đồng tiền rau là đủ cho một ngày, nhưng giờ có ngày phải mua đến 30.000-40.000 đồng. Giá rau, củ tăng khiến việc chi tiêu hằng ngày của gia đình cũng tăng theo.
Chị Phạm Diệu Vân, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh 26/3 (Thành phố) thông tin: Chúng tôi hiện có 5 ha trồng các loại rau, sản lượng khoảng 15 tấn/tháng. Kênh tiêu thụ chính ở 3 cửa hàng kinh doanh tại các chợ và một số bếp ăn tập thể tại Thành phố. Do đảm bảo được nguồn cung nên hầu hết các loại rau, củ chúng tôi chỉ tăng nhẹ khoảng 1 - 2 giá, trừ mặt hàng cà chua. Tại các cửa hàng, do giá rau tăng khiến việc buôn bán cũng chậm hơn, sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 15% so với trước đây.
Còn tại HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX, cho biết: Mọi năm, tầm này, giá các loại rau, củ chỉ dao động từ 5.000-10.000 đồng/kg. Riêng cà chua, năm trước chỉ có giá 3.000-4.000 đồng/kg, nên năm nay nhiều thành viên chuyển sang trồng các loại rau củ khác. Giá rau tăng nhưng người trồng rau cũng không được lãi cao, nguyên nhân là do giá giống, phân bón, chi phí xăng dầu trong khâu sản xuất, vận chuyển đều tăng cao. Mặt khác, thời gian vừa rồi, trên địa bàn Mộc Châu bị ảnh hưởng bởi sương muối nên rau phát triển chậm hơn khoảng 10-15 ngày. Hiện, HTX đang trồng 20 ha rau các loại để cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội.
Giá các loại, rau củ tăng không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng mà các tiểu thương, doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn do mức tiêu thụ giảm đi rõ rệt. Anh Vũ Thành Cương, đại diện Công ty TNHH Thành Cương (Thành phố), cho biết: Đơn vị chuyên cung cấp rau, củ cho hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc. Giá cả nhiều loại rau củ tăng nên sản lượng rau xanh chúng tôi xuất bán về siêu thị cũng giảm hẳn. Trước đây, trung bình một ngày, Công ty xuất bán về các siêu thị khoảng 8-10 tấn rau, củ thì hiện chỉ còn 4-5 tấn. Nguyên nhân là do rau, củ tăng giá, người tiêu dùng mua ít đi. Tuy nhiên, hàng ngày, thương lái từ các tỉnh khác đổ về Sơn La mua rau nhiều hơn so với trước.
Lý giải về nguyên nhân, theo bà Phạm Thị Lan Hương, Quyền Trưởng phòng Quản lý thương mại và Hợp tác quốc tế (Sở Công Thương), cho biết: Thời điểm này đang là chính vụ đông, diện tích trồng rau trên địa bàn Sơn La vẫn ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, diện tích rau canh tác ngoài trời tại các tỉnh miền Bắc bị hư hại nhiều; giá tăng từ chợ đầu mối nên giá bán lẻ tại chợ phải tăng theo. Vùng nguyên liệu tại các tỉnh, thành phố khác hạn chế sản xuất và khó khăn trong việc lưu thông do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thêm vào đó giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao... là những nguyên nhân khiến giá rau củ quả tăng vào thời điểm này.
Theo các cơ quan quản lý Nhà nước nhận định, giá rau tăng cao như hiện nay chỉ là nhất thời do khan hiếm hàng cục bộ. Hiện, toàn tỉnh có trên 11.000 ha trồng rau, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm, không lo thiếu hụt nguồn cung trong dịp sắp tới, khi thời tiết tốt lên, sản xuất vụ đông được đẩy mạnh, nguồn cung dồi dào hơn thì chắc chắn giá rau, củ, quả sẽ ổn định trở lại... Bên cạnh đó, người dân cần xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, chú trọng biện pháp luân canh, quản lý dịch hại và thực hiện sản xuất rau an toàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!